A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

DSA của châu Âu sẽ tạo hiệu ứng thế nào?

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực với những quy định siết chặt nhằm bảo vệ người dùng trực tuyến khỏi những thông tin sai lệch, kích động bạo lực và thù hận, đặc biệt đối với người dùng trẻ em. Chưa rõ nỗ lực này sẽ mang lại hiệu quả ra sao ở EU, nhưng giới phân tích đang dự đoán khả năng nó có thể tạo ra một “làn sóng” thay đổi bên ngoài khối, thậm chí toàn cầu.

DSA buộc 19 nền tảng trực tuyến lớn và công cụ tìm kiếm phổ biến phải tuân thủ các quy định mới, trong đó có: Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, Amazon, Booking.com, Alibaba AliExpress, Zalando, Google Play, App Store, Google's Search, Bing, Google Maps và Wikipedia. Danh sách này được dựa trên số lượng người dùng, theo đó, những nền tảng có 45 triệu người dùng trở lên sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm khắc nhất trong DSA. 

Danh sách này chưa phải là cuối cùng và có thể các nền tảng khác sẽ được thêm vào. Bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người châu Âu cũng phải tuân thủ DSA, nhưng họ sẽ phải đối mặt với ít nghĩa vụ hơn so với các nền tảng lớn nhất và có thêm 6 tháng nữa trước khi phải chấp hành quy định mới.

Việc “tung đòn” chấn chỉnh các "đại gia" công nghệ đã cho thấy vai trò đi đầu thế giới của EU đối với một lĩnh vực mà ngày càng có nhiều quốc gia cũng đang dần áp dụng. EU tiên phong trong nỗ lực điều hành dữ liệu và công nghệ mới thông qua áp dụng nhiều quy định kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ. Kể từ sau khi công bố DSA và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) cuối năm 2020, EU tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các quy định nhằm siết chặt hơn hơn việc kiểm soát hoạt động của các "đại gia" công nghệ. 

Nỗ lực của EU đã và đang tạo ra một xu thế mới trên thế giới, đó là các nước cũng đang siết chặt hơn quy định nhắm vào những công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số nhằm làm giảm tác động bất lợi của công nghệ số. Giới phân tích cho rằng điều này đòi hỏi các phương pháp tiếp cận toàn diện và việc có nhiều nước cùng vào cuộc sẽ mang lại hiệu quả toàn diện hơn. Những thay đổi của châu Âu được nhận định có thể tạo ra tác động toàn cầu. Theo AP, Wikipedia đang điều chỉnh một số chính sách và sửa đổi các điều khoản sử dụng để cung cấp thêm thông tin về “nội dung và người dùng có vấn đề”. Tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia Foundation, nơi lưu trữ bộ bách khoa toàn thư do cộng đồng cung cấp cho biết: “Những thay đổi đó không chỉ giới hạn ở châu Âu và sẽ được triển khai trên toàn cầu. Các quy tắc và quy trình chi phối những dự án Wikimedia trên toàn thế giới, bao gồm mọi thay đổi nhằm đáp lại DSA, mang tính phổ quát nhất có thể”.

Đạo luật DSA chính thức có hiệu lực sẽ kiểm soát hoạt động của các "đại gia" công nghệ và hạn chế những tác động tiêu cực từ công nghệ số (ảnh minh họa). Ảnh: euractiv.com 

Snapchat, nhà cung cấp ứng dụng nhắn tin bằng video, hình ảnh, cũng thông báo quy trình báo cáo và kháng nghị mới nhằm gắn cờ nội dung bất hợp pháp hoặc các tài khoản vi phạm quy tắc của họ, sẽ được triển khai đầu tiên ở EU và sau đó trên toàn cầu trong những tháng tới.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù những quy định mới trong DSA mới chỉ áp dụng trong lãnh thổ EU nhưng dần dần sẽ gây tác động toàn cầu do các quy định của EU thường được coi như khuôn mẫu cho những khu vực khác. Gần đây nhất, Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU áp dụng từ 5 năm trở lại đây đang được nhiều nước bên ngoài EU sử dụng. EU được cho là đã tạo ra bước ngoặt lớn đầu tiên trong việc kiểm soát những tập đoàn công nghệ khổng lồ bằng GDPR bắt đầu được thi hành vào năm 2018. GDPR đã thúc đẩy những thay đổi trong cách các công ty công nghệ xử lý thông tin cá nhân và truyền cảm hứng cho các luật tương tự ở nhiều nơi khác.

Trước khi thấy được những hiệu ứng từ DSA đối với thế giới, có thể thấy được những tác động đầu tiên ở châu Âu. Các nền tảng đã triển khai những cách mới để người dùng châu Âu gắn cờ nội dung trực tuyến bất hợp pháp và các sản phẩm né tránh tinh vi, mà các công ty sẽ có nghĩa vụ phải gỡ bỏ một cách nhanh chóng và khách quan.

Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta cho biết trong một bài đăng trên blog rằng DSA “sẽ có tác động đáng kể đến trải nghiệm của người châu Âu khi họ mở điện thoại hoặc khởi động máy tính xách tay cá nhân”. Cụ thể, kết quả tìm kiếm sẽ chỉ dựa trên những từ họ nhập chứ không được cá nhân hóa dựa trên hoạt động và sở thích trước đó của người dùng. Các công cụ báo cáo nội dung hiện có của Facebook và Instagram sẽ dễ dàng truy cập hơn. Amazon đã mở một kênh mới để báo cáo hàng hóa bị nghi ngờ. TikTok cũng đã cung cấp cho người dùng một tùy chọn bổ sung để gắn cờ các video, chẳng hạn như lời nói thù hận và quấy rối, hoặc gian lận và lừa đảo sẽ được xem xét bởi một nhóm chuyên gia bổ sung.


Tags: châu Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết