A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra

Là tên đề tài khoa học cấp bộ do TS Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm vừa được tổ chức nghiệm thu chính thức.

TS Cung Phi Hùng trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Mục tiêu chính của đề tài là đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thanh tra, đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra là tập hợp thông tin đầy đủ về hoạt động thanh tra được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giao dịch của cơ quan thanh tra Nhà nước và là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Một cơ sở dữ liệu duy nhất của một quốc gia được gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia.

Để đạt mục tiêu đề ra, đề tài nghiên cứu về cơ sở lý luận xây dưng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra. Tại nội dung này, đề tài đã đề xuất được cơ sở khoa học, cơ sở lý luận phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; đề xuất khái niệm về thanh tra; mục đích hoạt động thanh tra; nguyên tắc hoạt động thanh tra; những đặc điểm cơ bản của thanh tra; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; kết luận thanh tra.

Đề tài cũng đã nêu ra thực trạng, giải pháp CNTT, chính sách của Nhà nước về ứng dụng CNTT; về nội dung quản lý Nhà nước về CNTT; về quản lý ứng dụng CNTT; về nguyên tắc chung về hoạt động ứng dụng CNTT; về ưu tiên ứng dụng CNTT trong trường hợp khẩn cấp; về quản lý và sử dụng thông tin số; về truyền đưa thông tin số; về lưu trữ tạm thời thông tin số; về cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số…

Đồng thời, đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra. Theo đó, đề tài đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện theo hướng tin học hóa về hoạt động xây dựng kế hoạch thanh tra, định hướng chương trình thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, hoạt động điều chỉnh, xử lý chồng chéo, kiểm tra xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra.

Hoàn thiện pháp luật theo hướng tin học hóa hoạt động thanh tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra lại, hoạt động giám sát đoàn thanh tra, hoạt động của đoàn thanh tra do người ra quyết định thanh tra tự thực hiện, hoạt động của đoàn thanh tra do tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện; hoạt động giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra…

 Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài, TS Ngô Văn Khương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Thanh tra Chính phủ, việc ứng dụng CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là rất cần thiết, kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị ứng dụng cao, cần thiết cho Cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra hiện nay.

TS Ngô Văn Khương cho rằng, đề tài cần đảm bảo sự logic giữa các nội dung nghiên cứu gắn với nhiệm vụ nghiên cứu chính của đề tài; việc đánh giá thực trạng cần tập trung vào cơ sở dữ liệu về thanh tra thay vì đánh giá thực trạng hoạt động thanh tra; về giải pháp, cần có giải pháp về nguồn nhân lực, phương tiện cơ sở vật chất, kinh phí và đào tạo bồi dưỡng…

ThS Văn Tiến Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ, Chương I của đề tài cần đưa ra khái niệm “cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra”; tên Chương II cần được đổi lại thành “Thực trạng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra” trong đó, có thể đánh giá thực trạng quy định pháp luật và thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra; phần giải pháp, có thể đề xuất ban hành nghị định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra để làm căn cứ xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra…

ThS Lê Đức Trung, Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài cần luận giải thêm về khái niệm cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; phân tích sâu hơn về cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra tại Thanh tra Chính phủ; đề tài cần bổ sung giải pháp về chỉ đạo điều hành, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng…

Theo TS Trần Đăng Vinh - Chủ tịch Hội đồng cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, phù hợp với nhu cầu quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị tham khảo để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cần hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu theo hướng: Bổ sung thêm khái niệm “cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra”; luận giải sự cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra, làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra; kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về một số ngành, lĩnh vực khác.

Đề tài cần nêu rõ những quy định pháp luật cần phải đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra và bổ sung giải pháp hoàn thiện thể chế, hoàn thiện quy định về xử lý sau thanh tra, nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra và các giải pháp tổ chức thực hiện khác…

Với những kết quả đạt được, Hội đồng Nghiệm thu thống nhất đề tài xếp loại khá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết