Ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Ngày 9/1, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2021- 2024) thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (Đề án 1371).
Với sự chủ trì của Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo đề án Đề án 1371, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên toàn quốc.
Biểu dương những kết quả các cơ quan, đơn vị đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Thượng tướng Võ Minh Lương lưu ý các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hoàn thành mục tiêu của Đề án, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Các cơ quan, đơn vị cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật; gắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật với các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua; chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm khoa học, khả thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, các đơn vị Quân đội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 1371, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của Đề án đề ra. Qua đó, góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm. Ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm...
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức biên tập, phát hành 18.000 cuốn tài liệu các văn bản về “Quán triệt, triển khai thực hiện Đề án”; phối hợp với Bộ Tư pháp biên tập, in phát hành 85.000 cuốn tài liệu 15 chuyên đề về “Kỹ năng phổ biển giáo dục pháp luật cho nhân dân”; 650.000 tờ gấp pháp luật về nội dung Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Các cơ quan, đơn vị Quân đội phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành tại địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật theo hướng phù hợp, đa dạng, như: tổ chức phổ biến tập trung trực tiếp; nói chuyện pháp luật; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin nội bộ, bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động...
Phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội tổ chức tốt truyền thông về Đề án và triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Trong hơn 3 năm, đã có hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự; hàng chục chương trình hộp thư truyền hình, tọa đàm, phim tài liệu; nhiều gameshow, các cuộc thi... được tổ chức, với đa dạng ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào, tiếng Khmer; đa dạng sản phẩm truyền thông như video, audio, longform, infographic… và được đăng phát trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố các quyết định khen thưởng và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 1371 giai đoạn 2021-2024./.
Hiền Hạnh