Thị trường bán lẻ hiện đại còn nhiều tiềm năng tăng trưởng
Bán lẻ hiện đại đang tăng dần tỷ lệ tại thị trường Việt Nam và dự báo sẽ là mảng bán lẻ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều trong thời gian tới.
án lẻ hiện đại liên tục đón tin vui
Hướng đến mục tiêu gia tăng điểm chạm với người tiêu dùng, AEON Việt Nam tiếp tục mở rộng với AEON Xuân Thủy. Là trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị đầu tiên nằm độc lập ngoài trung tâm mua sắm AEON tại Hà Nội, trung tâm này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 10/1/2025, hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm đa dạng cho khách hàng.
Được biết, AEON bắt đầu mở trung tâm thương mại đầu tiên tại thị trường Việt Nam từ năm 2014 với khởi đầu là AEON MALL Tân Phú. Sau đó, tập đoàn đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên 8 đại siêu thị cùng hàng trăm điểm bán nhỏ lẻ. Được biết, sau hơn 10 năm hoạt động, AEON đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
AEON đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Huế… và tiếp tục tham vọng phát triển thêm các dự án ở Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng…
Tin vui này của “ông lớn” bán lẻ đến từ Nhật Bản nối dài thêm tin vui đối với ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2024 chứng kiến sự chuyển hoá giữa tỷ trọng bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống khi lần đầu tiên sau dịch Covid-19, tỷ lệ bán lẻ truyền thống tụt sâu hơn. Cụ thể, nếu như thời điểm trước dịch Covid-19, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại là 24%, sau dịch giảm xuống 18-19% thì đến năm 2025, bán lẻ hiện đại tăng lên 25%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm 28-30%, tăng cao hơn so với các tỉnh, thành khác. Đây là sự chuyển biến phù hợp với xu thế.
Theo số liệu từ Euromonitor về mức độ thâm nhập của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn tương đối thấp và hiện đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển với tỷ trọng khiêm tốn xấp xỉ 12% thị phần bán lẻ. Nếu so sánh với Indonesia, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn năm 2010 của quốc gia này. Tuy nhiên, nhờ những “ông lớn” của bán lẻ Indonesia là Indomaret và Alfamart tăng tốc mở rộng chuỗi cửa hàng giúp tăng tốc hiện đại hóa bán lẻ thị trường bán lẻ hiện đại của Indonesia. Theo đó, thị trường bán lẻ hiện đại tại “xứ sở vạn đảo” đã đạt mức tăng trưởng 18% mỗi năm trong vòng 5 năm.
Bán lẻ hiện đại còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam |
Tại Việt Nam, mặc dù bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử đạt tăng trưởng mạnh mẽ, các giao dịch mua sắm tiêu dùng hàng ngày vẫn phần lớn diễn ra ở kênh bán lẻ truyền thống với tỷ trọng xấp xỉ 75% thị phần và được dự báo sẽ vẫn còn duy trì trong tương lai 5 năm tới. Tuy nhiên, cơ hội cho bán lẻ hiện đại sẽ vẫn tăng lên cùng với sự phát triển của doanh nghiệp dẫn đầu khi các mô hình bán lẻ mới được ra mắt.
Trên hết, các doanh nghiệp có khả năng tài chính, nền tảng bán lẻ và năng lực vận hành để hiện đại hóa bán lẻ Việt Nam, đơn cử như Masan với trọng tâm là chuỗi minimart, siêu thị WinCommerce, có thể nắm giữ cơ hội để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Chuỗi bán lẻ của Masan, WinCommerce, hiện đang vận hành hệ thống minimart, siêu thị với hơn 3.700 cửa hàng, siêu thị trải khắp toàn quốc.
Theo nhận định của Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ phát hành vào đầu tháng 1, vẫn còn tiềm năng cho bán lẻ hiện đại trong trung và dài hạn nhờ vào thu nhập khả dụng tăng cao, nhu cầu ngày càng tăng đối với lối sống chất lượng cao hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận các mô hình bán lẻ hiện đại – một xu hướng phát triển trong ngành bán lẻ thực phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp các nhà bán lẻ khai thác tiềm năng đáng kể trên thị trường này.
Gần đây, các mô hình bán lẻ hiện đại của các "ông lớn" như Aeon Mall, Go! cũng như các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như Bách hóa Xanh và Winmart+ đã thành công trong việc thu hút một sự chuyển dịch đáng kể từ các mô hình thị trường truyền thống nhờ vào chiến lược bán hàng cạnh tranh và hiệu quả.
MBS cho rằng, sau giai đoạn có lợi nhuận của Bách hóa Xanh và Wincommerce, năm 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để mở rộng mạng lưới cửa hàng và gia tăng phạm vi tiếp cận của các nhà bán lẻ hiện đại lớn khi nhu cầu tiêu dùng có thể tiếp tục phục hồi khả quan, sự lan tỏa từ ngành sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn so với năm 2024, khi xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ. Hơn nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài lớn cũng đang triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam, điều này làm nổi bật sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Bán lẻ hiện đại sẽ đóng góp lớn vào mục tiêu của thị trường trong nước năm 2025
Năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024. Mục tiêu này sẽ đạt được một phần nhờ vào sự đóng góp doanh thu từ bán lẻ hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh thêm, năm tới, lãnh đạo Đảng, nhà nước yêu cầu phải phát triển đột phá. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc tăng cầu nội địa. Chỉ số phát triển kinh tế vĩ mô hiện nay dựa vào nhiều yếu tố, động lực, trong đó có cầu nội địa. Chính vì vậy, mục tiêu hàng đầu trong năm tới là phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.
Bán lẻ hiện đại sẽ đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Do đó, để đạt được mục tiêu này, theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cần tập trung vào phát triển hạ tầng bán lẻ, cả trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển các dịch vụ đi kèm như logistics, công nghệ bảo quản… Thêm nữa, cần có chính sách để phát triển bền vững, xanh hoá ngành bán lẻ.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, năm 2025, để đạt mục tiêu này, một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương triển khai là phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước. Trong đó, các kênh bán lẻ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô 150 tỉ USD sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ không chỉ về giá bán mà là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm. Bài học từ AEON Việt Nam cho thấy, trong khi rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại rời thị trường, AEON Việt Nam vẫn liên tục mở điểm bán là do đã tích hợp được đa dạng nhu cầu của khách hàng; đồng thời tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu địa phương. Đây cũng là gợi mở cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài để chinh phục mảng bán lẻ hiện đại cũng như chinh phục thị trường bán lẻ Việt Nam.
Dự kiến, trong quý 4/2024 đến 2025, khoảng 8 trung tâm thương mại lớn sẽ đi vào hoạt động. |