A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tái diễn chiêu trò lừa bán combo du lịch giá rẻ khi kỳ nghỉ 2/9 tới gần

Nắm bắt nhu cầu của nhiều người muốn đi du lịch, các đối tượng tội phạm công nghệ cao đã lập ra những hội nhóm, fanpage giả mạo các resort, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành, phòng bán vé máy bay... để lừa đảo. Càng sát thời điểm nghỉ lễ kéo dài, mùa du lịch thì chiêu trò này lại tái xuất hiện khiến nhiều người trở thành bị hại khi mất đi số tiền thật cho những combo du lịch ảo.

Article thumbnail
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời chào mời giá rẻ bất thường, tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch trong các kỳ nghỉ. Ảnh: BA

“Combo du lịch giá rẻ” là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân thông qua “bẫy” mua dịch vụ du lịch trọn gói. Thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng là đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, sau đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Đối tượng đăng các bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Tinh vi hơn, các đối tượng làm giả website, fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. Hoặc các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Đơn cử, vụ án lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ do Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá gần đây cho thấy rõ chiêu thức tinh vi của trò lừa đảo này. Theo đó, vào khoảng tháng 12/2022, qua tìm hiểu trên mạng xã hội và trên mạng Internet, đối tượng Vi Đức Quang (25 tuổi, trú tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) biết nhiều người có nhu cầu đặt vé máy bay online nên có ý định lừa đảo. Đánh vào tâm lý khách hàng muốn mua vé máy bay giá rẻ nên Quang lập ra trang web bán vé máy bay giảm 20% so với các đại lý khác. Ban đầu, Quang thuê người lập trình và quản lý website: https://airbamboobooking.com" và tạo 7 fanpage rồi chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.

Ngoài ra, Quang cũng thuê một số đối tượng khác để làm nhiệm vụ quản lý và tư vấn bán vé máy bay cho khách hàng khi nhắn đến các fanpage lập ra. Khi khách hàng đồng ý, các đối tượng sẽ tạo mã đặt chỗ giả gửi cho khách để họ sử dụng mã này truy cập vào website https://airbamboobooking.com kiểm tra. Kiểm tra thấy đầy đủ thông tin chuyến bay, khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản mà ổ nhóm này chỉ định. Ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền nói trên. Các đối tượng làm cho Quang sẽ được hưởng 10% trên số tiền lừa đảo chiếm đoạt của khách do mình giới thiệu, tư vấn thành công. Ước tính ban đầu, từ lúc lừa đảo đến khi bị bắt, nhóm đối tượng do Vi Đức Quang cầm đầu đã chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của hơn 200 người.

Để tránh bẫy mua phải combo du lịch ảo, đảm bảo chất lượng cho những chuyến đi chơi trong kỳ nghỉ lễ, nhiều công ty du lịch đã khuyên khách hàng nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các đơn vị uy tín hoặc ưu tiên mua từ bạn bè, người quen. Nếu mua lần đầu, khách hàng nên kiểm tra kỹ uy tín người bán và giá vé máy bay, phòng khách sạn ở thời điểm đặt. Nếu mức giá quá rẻ khoảng 20 - 50% so với tự đặt, du khách cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. Khi giao dịch, khách hàng nên làm việc với các bên có email chính thức của công ty. Ngoài ra, với những combo kèm vé máy bay, du khách cần chú ý số hiệu chuyến bay. Mỗi số hiệu chuyến bay thường ứng với hành trình nhất định.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt đông kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường). Đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Đồng thời, chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đặc biệt, khi tham khảo các trang mạng xã hội fanpage hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết