A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Luật Thủ đô (sửa đổi): Khơi thông pháp lý để Thủ đô phát triển

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 15 đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương với 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Luật Thủ đô (sửa đổi) đã gỡ bỏ nhiều rào cản hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển theo đúng kỳ vọng mà Đảng và Chính phủ đề ra.

“3 nguồn lực” thông suốt

Ngày 21-11-2012, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 11 năm thi hành, đến nay, Luật Thủ đô đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, thẩm quyền thi hành các điều luật... đòi hỏi cần thiết phải có Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua với những chính sách mới được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển. 

Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh thuận lợi, với sự kết hợp của "3 nguồn lực" quan trọng, đó là: Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Những yếu tố này không chỉ khơi thông các rào cản pháp lý mà còn tạo điều kiện nhân lực và tài lực cho sự phát triển của Thủ đô.

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao sau quá trình phát triển. 

TS Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết: “Từ khi bắt tay xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội, “3 nguồn lực” đó đã được chính quyền Thủ đô xem xét và sử dụng để tạo ra cơ hội, điều kiện cho phát triển Thủ đô. Cũng chính vì lẽ đó mà Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thể hiện được đường lối, tầm nhìn dài hạn của Đảng và Chính phủ, vừa thấm đẫm những giá trị cốt lõi của ý Đảng, lòng dân, sự quyết liệt trong hành động của chính quyền”.

Một trong những điểm được đánh giá cao của Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền, tự chủ và trách nhiệm trong quá trình triển khai luật vào đời sống. Với sự phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội và các cấp như quy định tại khoản 5, Điều 9; Điều 14 sẽ trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan tới những điều kiện đặc thù của Thủ đô.

Ví dụ như hiện nay, Hà Nội đang đô thị hóa, mở rộng sang các vùng ven, thành lập những quận mới thì việc xây dựng hạ tầng là đòi hỏi rất cấp thiết, trong đó theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng hàng chục cây cầu bắc qua sông. Với quy mô như vậy, thẩm quyền thuộc về Chính phủ, nhưng khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), có cơ chế đặc thù thì Hà Nội có thể chủ động quyết định được chủ trương đầu tư, các vấn đề liên quan đến vốn, thi công...

Nhận định về tính đột phá này, TS Dương Thị Thanh Mai cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giúp chính quyền Thủ đô có thể chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án một cách hiệu quả. Điều này cũng giúp Hà Nội không phải trông chờ vào nguồn vốn duy nhất từ ngân sách nhà nước mà còn có sự tham gia rất mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiên phong cho ngành kinh tế mới

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam (tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án) nhận định, nguồn lực của Thủ đô hiện rất lớn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế Thủ đô hiện nay. Để minh chứng cho điều này, ông Bình nêu ví dụ: “Mục tiêu đồng bộ kết cấu đường sắt đô thị TP Hà Nội với nhu cầu vốn đặt ra cho giai đoạn 2024-2030 (xây dựng 96,8km) là khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035 (xây dựng 301km) là khoảng 22,5 tỷ USD. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần hơn 37,1 tỷ USD. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy mà trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước là điều rất khó khăn, do đó, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực sẽ khơi thông hành lang pháp lý, tạo cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Khi đã huy động được nguồn vốn đầu tư bên ngoài, hiệu quả rõ rệt chính là để lại phần vốn đầu tư công cho ngân sách nhà nước để hỗ trợ phát triển những hạng mục cần thiết khác”.

Các công trình giao thông mới có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TH

Cũng theo TS Lê Duy Bình, sức hút đầu tư vào Thủ đô đến từ cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Hà Nội đã xác định rõ những lĩnh vực và đối tượng đầu tư chiến lược, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Những ngành kinh tế mang tính tiên phong này không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Thủ đô mà còn thúc đẩy tăng trưởng cho cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Một ví dụ điển hình là cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài vào sự phát triển của Thủ đô là cơ chế như đối tác công tư (PPP), mà chúng ta đã có quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đẩy mạnh hơn nữa mô hình này, đặc biệt thông qua các hình thức như hợp đồng đầu tư xây dựng và chuyển giao (gọi tắt là BT), một nội dung mới trong luật... Những hình thức này chắc chắn đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân và sẽ mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành Chương IV quy định về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo ra một cơ chế cơ sở hạ tầng mềm với nhiều ưu đãi có thời hạn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư như miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ lãi suất... Điều này sẽ góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia các dự án, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh hơn.

Những chính sách và cơ chế mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới. Chỉ khi đó, Hà Nội mới có thể phát triển bền vững, hiện đại và xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước.

 Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HIỀN


Tags: Thủ Đô
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết