A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kiên quyết tạm dừng hoạt động đối với cơ sở vi phạm ATTP

Sau gần hai tuần ra quân triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 (từ ngày 15/4 - 15/5), Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về những hoạt động mà thành phố triển khai trọng tâm.

PV: Thưa ông, nhân Tháng hành động về ATTP năm 2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện thanh kiểm tra như thế nào đối với các cơ sở liên quan trên địa bàn TP?

Ông Đặng Thanh Phong: Thực hiện Quyết định 1915/QĐ-UBND của UBND thành phố về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố tổ chức 4 đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác bảo đảm ATTP của các Ban Chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và quảng cáo thực phẩm.

Kiên quyết tạm dừng hoạt động đối với cơ sở vi phạm ATTP
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong

Trong đó, chúng tôi là đoàn kiểm tra số 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn. Trên tinh thần Tháng hành động ATTP năm 2024 với chủ đề: Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Chúng tôi đi kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm và qua quá trình kiểm tra nếu như phát hiện các cơ sở vi phạm ATTP, đoàn đã xử lý và đê nghị các cơ sở phải nghiêm túc chấp hành.

Đối với những cơ sở kinh doanh sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATTP, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở tiếp tục phát huy tinh thần đó. Các đoàn kiểm tra không báo trước và phối hợp với Ban chỉ đạo quận huyện, thị xã và đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở.

Tại các cơ sở, chúng tôi sẽ kiểm tra từ nhà xưởng, khu chế biến cho đến hồ sơ pháp lý, quy trình nhập nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất sau đó sẽ tiến hành lấy mẫu và kiểm nghiệm.

Tháng hành động ATTP triển khai tới 30 quận, huyện thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Ban Chỉ đạo ATTP xã phường, thị trấn cũng phải ra quân đồng loạt trong thời gian này.

Ngoài Tháng hành động diễn ra từ 15/4 đến 15/5 thì các Ban Chỉ đạo ATTP các xã, phường, thị trấn cũng sẽ tiếp tục kiểm tra các chuyên đề, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành xuyên suốt đến cuối năm. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những cái cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm thì đơn vị chức năng sẽ yêu cầu dừng sản xuất, hoặc dừng kinh doanh và xử lý vi phạm một các nghiêm túc.

PV: Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, các phụ huynh cũng rất quan tâm đối với những cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm, quà ăn vặt tại các cổng trường học. Đối với những cơ sở này, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra và ra quân xử lý các gánh bán hàng bán rong trước cổng trường như thế nào?

Ông Đặng Thanh Phong: Năm nay chủ đề của Tháng hành động ATTP là: Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Do đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn tập thể trường học, nhất là đối với bếp ăn trường học.

Kiên quyết tạm dừng hoạt động đối với cơ sở vi phạm ATTP
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP kiểm tra đột xuất tại cơ sở Công ty CP Tập đoàn Phú Thái (Cụm Công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông)

Chúng tôi sẽ truy xuất nguồn gốc đầu vào của nguyên liệu thực phẩm trong quá trình chế biến thức ăn cho bếp ăn trường học và khu công nghiệp. Đối với bếp ăn tập thể trường học, chúng tôi cũng đã triển khai truy xuất nguồn gốc từ năm 2022. Trong những năm qua, hoạt động này vẫn được nhân rộng và đạt được hiệu quả.

Còn đối với các trường hợp hàng quán bán rộng ngoài cổng trường, năm nay theo Kế hoạch 319/KH-UBND của UBND TP về công tác ATTP năm 2024, TP cũng đã triển khai mô hình mới là mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học” tại hai phường Hàng Trống, Tràng Tiền của quận Hoàn Kiếm.

Chúng tôi cũng đã đề nghị quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai mô hình và sẽ có đánh giá cuối năm nay. Nếu đạt hiệu quả, TP cũng sẽ nhân rộng trên các quận, huyện khác.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học” tại quận Hoàn Kiếm? Mô hình này sẽ được triển khai ra sao để đảm bảo tăng cường kiểm tra các mặt hàng bày bán tại các quán hàng trước cổng trường?

Ông Đặng Thanh Phong: Khi triển khai Kế hoạch của UBND thành phố, TP đã giao cho quận Hoàn Kiếm triển khai nội dung này. Quận cũng đã xây dựng kế hoạch và phân công dự kiến và họp với các ngành có liên quan như: Ban Chỉ đạo công tác ATTP của quận, BCĐ của phường, công an, dân phòng và Ban Giám hiệu Nhà trường…

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Hà Nội kiểm tra tại một trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thu Trang
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Hà Nội kiểm tra tại một trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm cũng đã có đánh giá xem những cơ sở nào được gọi là “hàng quán xung quanh cổng trường học”. Theo đó, đối tượng áp dụng mô hình “Kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học” là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học, gồm: Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín, hàng rong…

Phạm vi triển khai mô hình tại phường Hàng Trống là khu vực xung quanh các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Tràng An, Mầm non Tháng Tám, THCS Hoàn Kiếm; toàn bộ phố Nhà Chung, phố Nhà Thờ, phố Lý Quốc Sư; quảng trường trước Nhà thờ Lớn; đoạn phố Quang Trung đối diện vườn hoa Tây Sơn.

Còn tại phường Tràng Tiền là khu vực xung quanh Trường THPT Trần Phú; toàn bộ ngõ Tràng Tiền; đoạn từ phố Nguyễn Khắc Cần đến phố Phan Chu Trinh; đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến ngõ Tràng Tiền; đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến ngõ Tràng Tiền.

Về công tác truyền thông, quận cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học đối với học sinh, phụ huynh và những người, hộ gia đình tham gia các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm.

Đối với các quán hàng ăn vặt tại cổng trường mà không thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATTP thì Ban Chỉ đạo ATTP quận cũng như Ban Chỉ đạo ATTP phường cũng có chế tài xử lý, không cho kinh doanh tại cổng trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo nhanh kết quả triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15/4 - 26/4, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại 11/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 36,7%) và 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kết quả, 9/15 cơ sở đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60%); 6/15 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 40%). Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 81 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 311 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Cùng với tuyến thành phố, các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã kiểm tra, giám sát 4.768 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Kết quả có 4.480 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 94%) và 288 cơ sở vi phạm (chiếm 6%). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 270 cơ sở với tổng số tiền hơn 918 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết