Vai trò của báo chí trong cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc
Các ấn phẩm báo, tạp chí với vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội tiếp tục đưa thông tin kịp thời, chính xác đến với đồng bào vùng dân tộc và miền núi.
Việc thực hiện chính sách “Tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023 - 2025 là hết sức cần thiết trong việc giúp đồng bào các DTTS&MN được cập nhật thông tin nhanh chóng, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc để đất nước ngày càng phát triển, đi lên.
Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023-2025 do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức khảo sát tại các tỉnh có đối tượng thụ hưởng chính sách cấp báo |
Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và nhiều địa phương như: Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Lào Cai, Sóc Trăng, Đắk Lắk … đã phát biểu đồng tình với Báo cáo tổng kết thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019 - 2021 và dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023-2025.
Đại diện các địa phương cũng đề xuất nhiều ý kiến đóng góp bổ sung Đề án, trong đó tập trung vào vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của các báo, tạp chí nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền; nâng cao nhận thức, định hướng cho đồng bào DTTS&MN, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững ở các địa phương vùng dân tộc.
Trưởng Ban dân tộc tỉnh Hoà Bình Đinh Thị Thảo cho biết, Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019 - 2021 đã phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền. Là cầu nối tiếp thu những phản hồi của đồng bào dân tộc về thực hiện chính sách ở cơ sở để cơ quan quản lý công tác dân tộc các cấp tiếp thu, bổ sung, tham mưu hoàn thiện các chính sách. Tuy nhiên, giai đoạn mới đề án cần đổi mới theo hướng đi sâu đi sát vào thực tế, các sản phẩm báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Thạch Thị Kế Rin - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phát biểu: Dự thảo Đề án đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình hiện nay. Đối tượng thụ hưởng của đề án là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là những vòng “lõm” thông tin nên hình thức cung cấp thông tin qua báo chí, nhất là báo in là tương đối phù hợp để bà con có thể đọc và lưu trữ. Đồng bào dân tộc vùng Tây Nam Bộ rất cần những thông tin về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học sinh DTTS…
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc góp ý, thông tin có mục tiêu, mục đích là rất cần thiết. Vì vậy, các báo, tạp chí cần sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, cô đọng, mang tính phổ thông đại chúng, đa dạng các kênh phát hành đến đối tượng thụ hưởng... Quan điểm, mục tiêu, nội dung của dự thảo đề án đã được Ban soạn thảo làm rõ nhưng cần nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của đền án trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn khảo sát phát phiếu điều tra tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum |
Đặc biệt, hầu hết các Ban Dân tộc ở địa phương đều đề nghị được cấp đầy đủ 19 ấn phẩm báo, tạp chí cho các cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương để phục vụ cho việc quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả của báo chí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền trong giai đoạn mới.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các đại biểu ở các tỉnh thành, Thứ trưởng Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, Ban Soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ ý kiến và tập trung hoàn thiện đề án. Cần nâng cao chất lượng báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS&MN và giải đáp câu hỏi làm thế nào để tạo được thông tin 2 chiều giữa các kênh thông tin và người thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền và cơ sở, có thêm các giải pháp về kỹ thuật để có thể thực thi đề án, từ đó cung cấp thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, các báo, tạp chí tham gia chương trình đã phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng; nội dung tuyên truyền bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và những nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc; thông tin đa dạng, phong phú, phản ánh các mặt đời sống xã hội, giúp nâng cao nhận thức của đồng bào... |