Đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp điều kiện vùng dân tộc
Thời gian qua, việc cung cấp thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã đạt hiệu quả nhất định.
Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Đề án “Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023 - 2025.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nêu rõ, nhiệm vụ của Hội thảo là tìm hướng đổi mới hình thức cung cấp thông tin cho phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, các cơ quan báo chí căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của mình sản xuất các chuyên đề phục vụ cho các đối tượng bằng một ấn phẩm chuyên ngành theo lĩnh vực của mình được giao. Đặc biệt hướng đến việc thực hiện các chuyên đề mang tính chuyên sâu, đi sâu vào việc phản ánh thông tin hai chiều. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù trong chính sách, xác định rõ đối tượng thụ hưởng… để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngày một tốt hơn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo |
Thay mặt ban soạn thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Phó ban thường trực Ban soạn thảo Hoàng Thị Lề trình bày báo cáo tóm tắt đề án, nêu ra 2 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho các đối tượng thuộc 51 tỉnh, thành phố đăng ký thực hiện đề án. Thứ hai là đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn dưới hình thức xây dựng “App chuyên trang điện tử DTTS&MN”. “App chuyên trang điện tử DTTS&MN” sẽ chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các tờ báo, các chuyên đề đến đồng bào dân tộc. Tin, bài chính của kỳ xuất bản các ấn phẩm báo, tạp chí được ứng dụng công nghệ đọc tự động bằng tiếng phổ thông và một số tiếng dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới những địa bàn vùng lõm, đi lại khó khăn thông qua điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị nghe nhìn khác. Việc xây dựng kênh tương tác hai chiều trên “App chuyên trang điện tử DTTS&MN” nhằm hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề bất cập, nổi cộm tại địa phương tới các cơ quan quản lý một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, giúp Ủy ban Dân tộc cập nhật thông tin, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng khẳng định, việc đổi mới hình thức cung cấp thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông số để cung cấp thông tin cho đồng bào kịp thời và hiệu quả. App chỉ là một phương tiện. Mục tiêu là cung cấp nhiều thông tin hữu ích, kịp thời nhất cho bà con. Qua thực tiễn kinh nghiệm triển khai, để có tính bền vững, ứng dụng phải có sự tương tác hai chiều. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc triển khai các nền tảng truyền thông bằng công nghệ số hiệu quả.
Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu thành phố Hà Nội |
Đóng góp cho hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng Đề án; làm rõ đường lối, chủ trương thông tin tuyên truyền theo Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án; mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể; đối tượng thực hiện Đề án. Đặc biệt các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những giải pháp đổi mới nội dung ấn phẩm báo, tạp chí; đổi mới hình thức cung cấp thông tin; đa dạng các kênh phát hành đến đối tượng thụ hưởng... nhằm hoàn thiện đề án.
Để xây dựng đề án thành công, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh đề án. Công tác thông tin truyền thông tiếp tục cần được đẩy mạnh hơn nữa, dễ hiểu hơn nữa, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Các ấn phẩm cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số cần nâng cao chất lượng, bảo đảm thông tin hai chiều giữa các kênh thông tin và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh: Báo Công Thương cần tập trung vào việc đăng tải những thông tin, diễn biến giá cả thị trường; định hướng thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền về phát triển kinh tế cửa khẩu, giao thương, trao đổi hàng hóa… |