TP Hồ Chí Minh: Xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày
Ngày 5-3, dự án “Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt VietStar” do Công ty Cổ phần VietStar đầu tư tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng.
Nhà máy có công suất 2.000 tấn/ngày, được đầu tư bằng công nghệ tích hợp, gồm phân loại sản xuất compost, kết hợp đốt rác phát điện theo công nghệ của Đức.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, với thời gian thi công dự kiến 17 tháng. Đây là nhà máy thứ hai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được xây dựng, triển khai theo Nghị Quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. |
Nhà máy điện rác này khi hoàn thành sẽ giúp Thành phố xử lý khoảng 45-50% tổng khối lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, giảm phát thải ô nhiễm, đồng thời thu hồi năng lượng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 xử lý ít nhất 80% rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế, hướng tới 100% vào năm 2030. Việc đưa các nhà máy điện rác vận hành giúp thành phố chuyển đổi toàn bộ công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện vào năm 2030, thúc đẩy tái chế rác hữu cơ thành phân bón và nhiên liệu sinh học, xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn thông minh, kết nối dữ liệu xử lý rác thải toàn thành phố…
Hiện nay, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh phát sinh 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây nhiều tác động xấu đến môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Dự án Nhà máy điện rác VietStar là một trong những dự án trọng điểm về quản lý chất thải của thành phố, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường sống và đảm bảo an ninh năng lượng đô thị.
Công ty Cổ phần VietStar và các đơn vị có liên quan cần đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình, tuân thủ đầy đủ các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng, sớm đưa nhà máy vào vận hành hiệu quả. Đồng thời, xây dựng mô hình quản lý vận hành nhà máy thông minh, ứng dụng chuyển đổi số, đảm bảo tối ưu hóa hiệu suất xử lý rác, giám sát chặt chẽ từng khâu trong quy trình thu gom, xử lý và phát điện.
Tin, ảnh: SONG GIANG