A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh bồi thường, giải phóng mặt bằng

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tập trung các giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), bàn giao mặt bằng làm dự án (DA), tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương phát triển.

Đang thực hiện giải phóng mặt bằng 97 dự án

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, xác định công tác bồi thường, GPMB, TĐC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, địa phương tập trung quyết liệt, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Nhiều công trình, DA được bàn giao mặt bằng sớm, hoàn thành, đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong người dân, góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thanh - người dân có đất trong DA tạo quỹ đất sạch 200ha thị trấn Hiệp Hòa, chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương và chấp hành tốt chính sách của Nhà nước. Bao nhiêu năm nay, cuộc sống của người dân khá vất vả, giờ nghe đầu tư DA, ai cũng phấn khởi vì khi hoàn thành sẽ tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi hy vọng địa phương đôn đốc, kiểm tra để nhà đầu tư sớm đưa DA vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Gia đình có gần 5.000m2 đất đã bàn giao để làm DA”.

Với DA Khu công nghiệp Hựu Thạnh, huyện cũng tiến hành kiểm đếm đất và tài sản trên đất đạt 99%, phê duyệt phương án bồi thường gần 1.300 hộ, diện tích khoảng 520ha; hiện đã chi trả bồi thường cho hơn 1.200 hộ với tổng diện tích gần 490ha. Bà Lê Thị Hai (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) cho biết: “Chúng tôi bàn giao đất với hy vọng DA sớm đi vào hoạt động. Chính quyền cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để chủ đầu tư thực hiện, tránh trường hợp gây lãng phí đất đai, tạo bức xúc trong dư luận. Đồng thời, trong chính sách bồi thường, TĐC, Nhà nước cần xem xét thêm để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân có đất bị thu hồi”.

Ông Lê Thành Phong cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện thực hiện GPMB 97 DA, trong đó 17 DA đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, 80 DA vốn ngoài ngân sách. Tất cả DA đang được triển khai, thực hiện. Tổng diện tích đất thu hồi hơn 6.112ha, hơn 18.900 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng. Công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn đạt nhiều kết quả và có chuyển biến tích cực. Để đạt kết quả trên, thời gian qua, huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, MTTQ, đoàn thể trong công tác bồi thường, GPMB.

Đặc biệt, từ khi có Kết luận số 720-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chỉ đạo của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện,... về công tác này nên tạo được sự nhất quán và đồng thuận cao. Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung theo dõi, đôn đốc, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho từng DA cụ thể. Đội ngũ làm công tác này được củng cố, có sự tham gia của MTTQ, hội, đoàn thể tạo được sự lan tỏa trong thực hiện,...

Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc

Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện Đức Hòa vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Công tác kê biên, bồi thường một số DA còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Một số DA, chủ đầu tư chưa bảo đảm kinh phí để chi trả kịp thời cho người dân. Huyện có nhiều DA đang triển khai nhưng nhân sự cho công tác này còn thiếu, một số nơi còn thiếu sự phối hợp dẫn đến DA bị chậm tiến độ. Trong giải quyết các vướng mắc, một số ngành còn chưa có sự thống nhất. Một số chính sách, cơ chế liên quan chưa phù hợp thực tiễn dẫn đến quá trình thực hiện còn khó khăn.

Ông Lê Thành Phong thông tin: Để tiếp tục đẩy mạnh và đạt hiệu quả trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC theo kế hoạch, thời gian tới, huyện kiến nghị sở, ngành tỉnh dự họp với hội đồng huyện, thẩm định hồ sơ, rút ngắn thời gian trình UBND tỉnh phê duyệt; sớm sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách mà huyện đã có văn bản báo cáo. Huyện chỉ đạo đơn vị kê biên, bồi thường tăng cường giải pháp củng cố nhân sự bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ liên quan. Hàng tuần, hàng tháng, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Mặt khác, đơn vị phải báo cáo tiến độ, kế hoạch, nắm bắt các thông tin, rà soát cơ chế, chính sách để tham mưu UBND huyện có đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, TĐC. Địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trong vùng DA thực hiện tốt chính sách, pháp luật; thông tin công khai DA kịp thời, đúng quy định, bảo đảm khách quan, công bằng, trung thực để người dân hợp tác. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, MTTQ, đoàn thể trong thực hiện bồi thường, GPMB, TĐC. Huyện thực hiện tốt việc vận động hộ dân, lập đầy đủ các thủ tục, giấy tờ pháp lý kèm theo, kịp thời điều chỉnh các sai sót để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ khác để bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất,... góp phần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm DA đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, huyện tập trung giải quyết ngay các trường hợp khiếu nại của người dân liên quan đến việc thu hồi đất.


Tác giả: Theo Lực Nguyễn/ Báo Long An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết