A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy: Tập trung giải quyết vướng mắc

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng...

Tuy nhiên, để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đặt ra, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần tập trung các giải pháp, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chi.jpg

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Quang

Các đơn vị, địa phương vào cuộc tích cực

Triển khai Chỉ thị số 09-CT/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp đã rà soát, chuẩn bị các điều kiện để chủ động thực hiện Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực vào ngày 1-8-2024 tới đây; đồng thời tăng cường lãnh đạo công tác cấp sổ đỏ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; các đơn vị, địa phương vào cuộc tích cực. Tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp sổ đỏ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân là 1.678.912 thửa; trong đó đến nay đã cấp sổ đỏ cho 1.672.222 thửa, đạt 99,6%.

Đối với việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, đến nay, Hà Nội đã cấp được 317.808 căn/368.337 căn của 787 dự án, đạt 86,28%. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp sổ đỏ cho 4.254 căn. Về cấp sổ đỏ cho người mua nhà tái định cư, đến nay đã cấp được 14.798/15.724 căn, đạt 94,11%; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.86 thửa, đạt 99,21%...

Theo ông Lê Thanh Nam, để có được kết quả nêu trên, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hà Nội cùng các chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã đã đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, việc ủy quyền, phân quyền trong lĩnh vực này đã giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, chi phí cho người dân và cơ quan quản lý.

huong-dan-nguoi-dan-giai-qu.jpg

Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực nhà đất tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Tâm

Bảo đảm 100% thửa đất được kê khai, đăng ký

Dù đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác cấp sổ đỏ. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam, một số quận, huyện hiện nay vẫn đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người dân; chưa thẩm định xong hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu.

Bên cạnh đó, việc bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước vẫn chưa được xử lý dứt điểm, hiện vẫn còn khoảng 1.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; khoảng 19.000 nhà ở tự quản nhưng không còn nhà ở cũ, người dân đã xây dựng thành nhà ở mới. Một số dự án nhà ở có tình trạng vi phạm quy hoạch, thiết kế được duyệt, làm gia tăng dân số cơ học, ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong khi đó, các dự án này đều đã đưa vào khai thác sử dụng, nhiều căn hộ đã được cấp sổ đỏ cho các hộ dân mua nhà. Do đó, việc đề xuất xử lý gặp nhiều khó khăn.

Huyện Mê Linh đã cấp được 41.045 sổ đỏ lần đầu, đạt 83,16% tổng số thửa đất cần cấp. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn còn 8.314 thửa đất ở chưa được cấp sổ đỏ, với tổng diện tích 2.485.290m2. Trong số đó, đất do UBND xã, hợp tác xã, thôn giao trái thẩm quyền là 5.108 thửa, diện tích 1.349.569m2; đất có quyết định của UBND huyện, nhưng cấp xã giao đất và thu tiền không đúng thẩm quyền là 438 thửa, diện tích 75.324m2; đất lấn chiếm trước năm 2004 là 27 thửa, diện tích 2.968m2…

Còn tại huyện Đan Phượng, hiện tổng nhu cầu cần cấp sổ đỏ trên địa bàn còn khá lớn, trong đó đối với đất ở và đất nông nghiệp trước năm 2021 là 10.687 thửa. Tổng số sổ đỏ đã cấp từ năm 2021 đến nay mới được 194 thửa, chỉ đạt 1,82% nhu cầu. Riêng năm 2023, trên địa bàn huyện chỉ cấp được 77 sổ đỏ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hồ sơ lưu giữ tại xã, thị trấn không đầy đủ, thiếu thành phần... nên không có cơ sở tra cứu dữ liệu, xác định nguồn gốc đất. Trong khi đó, việc giao đất nông nghiệp 5%, 10% xen kẹt dẫn đến nhiều vi phạm, như: Tự ý chuyển mục đích sử dụng, khó xác định loại đất để cấp sổ đỏ. Ngoài ra, còn có thực trạng giao đất không đúng thẩm quyền, không có giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính, người dân không đồng ý nộp tiền sử dụng đất; diện tích thửa đất biến động qua các thời kỳ…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã tổ chức cuối tháng 6-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ cấp sổ đỏ lần đầu và kê khai đăng ký đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân đến nay đã đạt 99,6%.

Để việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU tiếp tục đạt chất lượng, hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị sớm hoàn thành dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND thành phố phê duyệt, làm cơ sở kê khai, cấp sổ đỏ cho các trường hợp còn lại, bảo đảm 100% thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết