A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm liên kết vùng Tây Nguyên

Trong cuộc làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần sớm xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế…

Article thumbnail
TP Buôn Ma Thuột được có vị trí chiến lược rất quan trọng khi nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên. Ảnh: NG

Vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên

Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk chiều 18/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đề cập đến việc phát triển TP Buôn Ma Thuột.

Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng TP Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có diện tích tự nhiên 37.710 ha, với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, thành phố được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”.

TP Buôn Ma Thuột được xác định có vị trí chiến lược rất quan trọng khi nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, là đầu mối huyết mạch giao thông tỏa ra các hướng, nối với TP Đà Lạt qua huyện Lắk bằng quốc lộ 27, nối liền với Khánh Hòa qua Ninh Hòa bằng quốc lộ 26, nối với TP HCM bằng quốc lộ 14 qua Đắk Nông, Bình Phước, nối liền với Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) bằng tỉnh lộ số 1 và nối với Pleiku, Kon Tum bằng quốc lộ 14. Đặc biệt, nơi đây còn có Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, kết nối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước và trong thời gian tới có thể sẽ trở thành sân bay quốc tế.

 Hạ tầng giao thông đang rất được quan tâm đầu tư ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: NG

Chưa hết, khí hậu trong lành cùng đất đỏ bazan màu mỡ đã nuôi dưỡng thành những hạt cà phê tinh tuý nhất, làm nên thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng khắp năm châu. Nhiều năm qua, thành phố này trở thành điểm hẹn của các tín đồ mê cà phê, các đối tác trong nước và quốc tế rất ấn tượng với sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Thành phố có tuổi đời gần 120 năm hình thành và phát triển này còn cuốn hút du khách trong và người nước bằng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em…

Ngoài ra, Buôn Ma Thuột còn là thành phố có tỉ lệ cây xanh lọt top những địa phương nhiều nhất cả nước, đã tạo thêm điểm nhấn tuyệt đẹp cho địa phương này.

Những năm gần đây, Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, dần trở thành đô thị hiện đại, năng động và bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng.

 Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những điểm nhấn thu hút du khách đến với Đắk Lắk. Ảnh: NG

Cơ chế đặc thù giúp thành phố “cất cánh”

Đặc biệt, năm 2022, Nghị quyết số 72/2022/QH15 được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột. Đây là sự quan tâm đặc biệt, tiền đề thu hút đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá cho TP Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND Thành phố đã tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngoài việc tiếp tục phối hợp với các sở, ngành về cập nhật thông tin dự án cần kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn; UBND TP đã thực hiện được cơ bản 2 nhiệm vụ.

Về mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk (phần dư nợ tăng thêm 20% so với quy định của Luật Ngân sách Nnhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn Buôn Ma Thuột): Thành phố trực tiếp phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham vấn ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua báo cáo đề xuất danh mục dự án vay ODA trong ngày 27/6/2023, cụ thể: Dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột. Mục tiêu của dự án xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Quy mô dự án chia thành 2 tiểu dự án (Tiểu dự án 1: Cải tạo hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam; Tiểu dự án 2: Xây dựng đường vành đai phía đông với chiều dài tuyến 21,7km). Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.036 tỷ đồng, trong đó, vốn vay hơn 3.638 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 4.397 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án 2026-2031. Đối tác phát triển dự kiến cung cấp vốn vay là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KeximBank).

Đoàn thăm quan của các tổ chức nước ngoài thăm quan Trang trại nấm của Công ty cổ phần thực phẩm xanh Thành Đồng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: NG 

Thời gian tiếp theo, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện tTờ trình, báo cáo đề xuất dự án chính thức, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt dự án theo quy định.

Đối với chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, UBND TP đã hoàn thiện đề án quy định chính sách ưu tiên, tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố trình Sở Nội vụ xem xét thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi đề án được phê duyệt, thành phố sẽ triển khai kế hoạch tuyển dụng trên địa bàn.

 Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, Nghị quyết số 72/2022/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi như về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn để TP Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá và “cất cánh” trong thời gian tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết