Thiếu tài xế xe buýt: TP Hồ Chí Minh gấp rút hỗ trợ nâng hạng bằng lái
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tổ chức các lớp đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe (GPLX) để giải quyết thiếu hụt...
Các đơn vị vận tải xe buýt đang đảm bảo được hoạt động phục vụ đưa đón hành khách. Ảnh: M.Tuấn
Hỗ trợ nâng hạng giấy phép lái xe cho tài xế
Ngày 12-2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở GTVT thành phố nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức các lớp đào tạo nâng hạng GPLX trong thời gian sớm nhất.
Mặt khác, tăng cường kết nối nhu cầu tuyển dụng lái xe giữa đơn vị kinh doanh vận tải với các đơn vị đào tạo sát hạch để nhanh chóng bù đắp số lượng lái xe đang thiếu hụt hiện nay.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hiện thành phố thiếu khoảng 250 lái xe buýt trên 30 chỗ theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Cụ thể, theo luật mới quy định, GPLX hạng D2 cấp cho người lái ô tô chở người (kể cả xe buýt) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) và hạng D cấp cho người lái ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).
Trong khi trước đây, theo Luật An toàn giao thông đường bộ năm 2008, quy định GPLX hạng D cấp cho người lái ô tô chở người từ 10-30 chỗ ngồi.
Do đó, lái xe có GPLX hạng D (theo luật cũ) sẽ không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện trên 30 chỗ (bao gồm xe buýt).
Dù thiếu hụt nhưng theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hiện nay, các đơn vị vẫn cơ bản đảm bảo kế hoạch phục vụ hành khách đi lại trong quý I do đang là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm.
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán thiếu hụt lái xe buýt, ngoài việc hỗ trợ nâng hạng GPLX cho lái xe của các đơn vị liên quan thuộc Sở GTVT thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt cũng đang chủ động trong việc tuyển dụng, bố trí lái xe phù hợp.
Theo thống kê của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 2.221 phương tiện xe buýt hoạt động trên 138 tuyến. Trong đó, nhóm xe trung bình (41-60 chỗ) có 853 xe (chiếm 39% cơ cấu đoàn phương tiện).
Năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh có 601 lái xe có GPLX hạng D (theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008) được bố trí lái trên các tuyến xe buýt có sức chứa từ 30-47 chỗ, bao gồm 20-26 chỗ ngồi và 14-21 chỗ đứng.
Giải quyết khó khăn trong cấp đổi GPLX
Liên quan đến công tác cấp đổi GPLX tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng ngày (12-2), Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, hiện nay, tổng số GPLX tồn đọng của thành phố cần xử lý là hơn 172.000. Cụ thể, 160.000 giấy phép cho học viên đã đạt kết quả sát hạch từ đầu tháng 11-2024 đến giữa tháng 1-2025; 12.000 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại từ ngày 13 đến 24-1 và 800 hồ sơ đăng ký trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.
Người dân xếp hàng chờ cấp đổi GPLX. Ảnh: M.Tuấn
Cũng theo ông Bùi Hòa An, hiện tình trạng thiếu phôi GPLX đã tạm ổn, mặt khác, Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường in ấn. Thế nhưng, dù các đơn vị làm việc liên tục từ sáng đến đêm nhưng mỗi ngày chỉ in được tối đa 4.000 phôi GPLX.
Vì vậy, các đơn vị ưu tiên trả GPLX ô tô cho người dân trước, dự kiến trong khoảng 15 ngày sẽ trả đủ những trường hợp cấp đổi đến tháng 12-2024. Sau đó, sẽ tiếp tục in và trả GPLX từ tháng 1-2025.
Để giải quyết khó khăn trong cấp đổi GPLX, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ GTVT khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 35 cho phù hợp với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 160 của Chính phủ.
Để giải quyết việc thiếu vật liệu in, Sở GTVT đang tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên, vật liệu in kèm thẻ PET, dự kiến hoàn tất ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu vào đầu tháng 3-2025.
Luật Trật tự an toàn giao thông mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với 15 phân hạng GPLX, so với 13 hạng trước đây. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, dẫn đến số lượng đăng ký dự thi tăng mạnh. Tuy nhiên, quy định chuyển tiếp chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc tổ chức sát hạch từ sau ngày 1-1-2025.
Các phần mềm quản lý do Cục Đường bộ Việt Nam nâng cấp từ đầu năm 2025 vẫn còn nhiều lỗi, gây ảnh hưởng đến quá trình cấp GPLX.