Thiêng liêng những "điểm tựa tinh thần" vùng biên giới
Giữa bầu trời biên giới bao la của Lào Cai, những ngôi đền linh thiêng không chỉ là cột mốc về văn hóa mà còn là điểm tựa tinh thần cho người dân đất Việt trăm ngả đổ về, thành kính tưởng nhớ những vị thần hộ quốc, cầu mong non sông thái hòa, Việt Nam thịnh vượng.
Những "cột mốc" văn hóa vững chắc
Có đi đến tận cùng vành đai biên giới mới thấy từng tấc đất, từng ngọn cây nơi giáp ranh hai quốc gia, dân tộc thiêng liêng đến chừng nào. Chỉ qua một lằn ranh, một cột mốc là bước chân sang nước bạn. Từng nắm đất, từng hàng cây ấy bao thế hệ cha ông ta đã dùng máu xương, trí tuệ để đời đời giành, giữ lấy.
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 265 km theo đường bộ.
Phía Đông Lào Cai giáp tỉnh Hà Giang; phía tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 203km đường biên giới. Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai.
Trùng trùng những ngọn núi liền núi, sông liền sông nhưng ngoài cột mốc chủ quyền đánh dấu lãnh địa quốc gia, những ngôi đền chính là "cột mốc" quan trọng, thiêng liêng trong lĩnh vực văn hóa.
![]() |
Đền Bảo Hà uy linh bên dòng sông “Mẹ” |
Đây không chỉ là nơi thờ phụng, tưởng nhớ những vị thần hộ quốc, những người có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với uy dũng ngàn đời, trấn thủ nơi biên ải, những người dân gian suy tôn thành Quan, thành Mẫu che chở cho con dân đất Việt, khắc sâu truyền thống đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà còn là những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn tâm linh của văn hóa Việt, không hòa tan, trộn lẫn.
Đây cũng chính là nơi gửi gắm những ước vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, mong muốn cuộc sống yên ổn cho trăm họ nhưng cũng vô cùng quật cường, quyết liệt để bảo vệ biên cương, lãnh thổ của mình.
Đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997. Đền nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc. Đây là điểm du xuân, hành hương lễ bái nổi tiếng của người trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Lào Cai.
![]() |
Du khách lễ Quan Hoàng Bảy |
Theo các nguồn sử liệu vùng Bảo Hà xưa kia vốn có một vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc luôn được các triều đại phong kiến đặt cửa trấn ải với đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện vùng thấp hơn.
Trong thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành luỹ kiên cố chống giặc.
Tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải giúp Nhân dân lấy lại được cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ và thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Sau này quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh.
Theo truyền thuyết và lời kể của một số cao niên ở vùng Bảo Hà còn lưu truyền, có một điều kỳ lạ khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã. Từ thi thể ông phát ra ánh hào quang, phi lên thân ngựa, đến khu vực núi Cấm, vùng trung tâm Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.
Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ. Sau này, khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà.
![]() |
Lễ hội đền Bảo Hà |
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng…
Không chỉ có giá trị về ý nghĩa lịch sử, tâm linh, cho đến nay kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, nó thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng.
Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông, quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.
Đến với đền Quan Hoàng Bảy, sau khi lễ các ban, dâng ngựa tới Quan, du khách có thể leo bộ các bậc thang dẫn lên đỉnh núi Cấm để dâng hương, kính cẩn cúi đầu trước mộ ông và phóng tầm mắt nhìn ra xa bốn phương tám hướng. Xung quanh là núi non trùng điệp, dòng sông Hồng cuộn chảy với thế núi hình sông mang long mạch tốt lành mà trời đất ban phát cho nơi đây.
Trong khói nhang trầm mặc, trong cảm thức biên viễn rất mênh mang, ta càng cảm nhận được rõ rét hơn công lao của các bậc tiền nhân anh dũng đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho đất nước đời đời.
Gửi gắm ước vọng hòa bình ngàn đời
Nằm ở cửa ngõ quốc gia, Đền Mẫu Lào Cai tọa lạc tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) trước mặt là cột mốc biên giới 102 (2) và dòng Nậm Thi trong xanh.
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn "tứ bất tử" trong văn hóa tâm linh người Việt, là người Mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc Việt Nam. Tương truyền bà là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời, vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên 3 lần bị đày xuống trần gian.
![]() |
Đền Mẫu Lào Cai |
Vì vậy, sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam đều ghi bà là "Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần", "Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ", "Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" với ý nghĩa là một vị thần cao nhất và linh thiêng nhất.
Sau 3 lần giáng trần đầu thai làm người, cảm nhận những chuyện đau khổ, bất công chốn nhân gian, bà cầu xin Ngọc Hoàng được tiếp tục giáng trần và được vua cha chấp thuận. Về sau, Thánh Mẫu hiển linh dưới hình hài một tiên nữ, có hai vị tiên hầu cận chu du khắp nơi, giúp dân, giúp nước.
Đặc biệt, với vùng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), Mẫu Liễu Hạnh ghi dấu những công lao to lớn trong hành trình thiên lý của mình.
Tương truyền, vào thế kỉ XV, tại đây, thường xuyên có thú dữ hoành hành, nạn giặc quấy nhiễu. Mẫu Liễu Hạnh đã hiển linh làm người bán hàng cơm, hàng nước cứu độ, làm phúc cho dân lành, giúp triều đình giữ gìn bờ cõi.
![]() |
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc biên giới 102 (2) sát dòng Nậm Thi trong xanh |
Để tưởng nhớ công lao của Mẫu Liễu Hạnh, thế kỉ XVIII, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ nhỏ bên dòng Hồng Hà, Nậm Thi. Đền Mẫu ở Lào Cai đã được các triều đại nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong. Hiện nay các sắc phong này vẫn còn lưu giữ tại đền. Với giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, năm 2011, đền Mẫu được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Đền Mẫu Lào Cai trở thành cột mốc văn hóa nơi cửa ngõ biên giới, như một sự khẳng định về chủ quyền của Việt Nam, là biểu tượng của văn hóa, tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt Nam. Hàng năm người dân khắp nơi đến lễ bái, tưởng nhớ công ơn của Mẫu đã che chở cho Nhân dân ta bao đời nay, gửi gắm nhiều ước vọng trong năm mới.
Ngay trong khuôn viên đền là cột mốc biên giới, nhìn sang bên kia sông là nước bạn, đây cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho mỗi chuyến du xuân.
![]() |
Lễ hội đền Thượng Lào Cai |
Từ ngày 10 - 12/2 (tức từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch) vừa qua, du khách đến với Lễ hội đền Thượng đã được hòa vào không khí lễ hội để tưởng nhớ công lao của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là cơ hội để tôn vinh và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Xa Phó và Dao Đỏ, thu hút đông đảo du khách tham quan.
Đền Thượng Lào Cai có tên Thánh Trần Từ, được xây dựng vào thời Lê, niên hiêu Chính Hòa (1680 -1705) là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Nơi đây chính là địa điểm hỏa hiệu cho quân đội chống giặc phương Bắc do Hưng Đạo Vương chọn làm khi xưa.
![]() |
Đền được tọa lạc ngay trên đồi Hỏa Hiện thuộc phường Lào Cai, TP Lào Cai ngày nay, cách đền Mẫu Lào Cai không xa. Ngôi đền soi mình bên dòng Nậm Thi, nơi có phong cảnh hữu tình, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tao cho đền dáng vẻ uy nghiêm lộng lẫy.
Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây đa cổ trăm năm tuổi đang vươn mình trổ tán xung qunah sân đền. Đi tiếp vào bên trong, du khách sẽ thấy hình ảnh ngôi đền được xây dựng thoe lối kiến trúc cổ hình chữ Công, tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ mà lại rất trang nghiêm.
![]() |
Bên trong chính điện là gian thờ được sắp xếp theo trình tự gồm: Cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... và các ban thờ phía Tả Vu - Hữu Vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền.
Bên cạnh Đền Thượng là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần".
Lối kiến trúc thuần Việt và việc thờ phụng nhân vật lịch sử cùng tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam càng góp phần khiến nơi đây thành cột mốc vững chắc về văn hóa của người Việt vùng biên viễn.