A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý dự án thuộc Chương trình 135

Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đối với 21 dự án (D.A) hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 (Đề án 196), giai đoạn 2016 - 2020 của UBND huyện Hải Hà, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, việc lựa chọn mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất còn lúng túng; hình thức hỗ trợ còn mang tính cào bằng...

Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý dự án thuộc Chương trình 135 của huyện Hải Hà đã được Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chỉ ra. Ảnh: Trọng Tài

Hải Hà là huyện miền núi, biên giới, biển đảo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh; có 11 đơn vị hành chính; dân số 64.407 người với 11 dân tộc sinh sống…

Huyện đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trước 1 năm so với kế hoạch; năm 2021, huyện đạt các tiêu chí hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hà, giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 4 xã (Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong và Quảng Thịnh) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 (Đề án 196).

Từ năm 2016 - 2020, huyện đã triển khai thực hiện 21 D.A hỗ trợ phát triển sản xuất  tại 4 xã với 1.118 hộ dân được thụ hưởng. Tổng kinh phí được phê duyệt là 28.670,5 triệu đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13.579 triệu đồng, hộ dân đối ứng 15.091,5 triệu đồng.

Tiến hành thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh nhận định, công tác lãnh đạo và triển khai thực hiện các D.A đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hải Hà quan tâm chỉ đạo…

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, lựa chọn đối tượng hỗ trợ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí, công khai, minh bạch, dân chủ; triển khai các D.A hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo đúng quy trình quy định; cấp đúng, đủ cho đối tượng thụ hưởng…

Một số D.A sau hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương về thời tiết, khí hậu, phong tục tập quán chăn nuôi nên đạt hiệu quả, năng suất. Qua đó, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần hoàn thành các tiêu chí, điều kiện để các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Qua kiểm tra hồ sơ các D.A, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ, hồ sơ chưa lập danh mục và bàn giao đưa vào lưu trữ; một số văn bản, biên bản chưa đầy đủ chữ ký thành phần tham gia, chưa đóng dấu; ngày, tháng, năm của một số biên bản chưa thống nhất; không có hồ sơ năng lực của cá nhân thu gom cung cấp con giống…

Đồng thời, tổ chức nghiệm thu, đánh giá chưa đầy đủ phần đối ứng của hộ dân về xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vắc xin tiêm phòng… theo D.A hỗ trợ được phê duyệt. Việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của các D.A sau khi hỗ trợ của chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác chỉ đạo, khảo sát, xây dựng, thẩm định phương án, D.A phát triển sản xuất chưa xem xét, cân nhắc kỹ về điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc tính thích nghi với môi trường sống; dẫn đến, D.A chăn nuôi dê sinh sản tại xã Quảng Đức và Quảng Sơn không hiệu quả.

Việc lựa chọn mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất còn lúng túng; hình thức hỗ trợ còn mang tính cào bằng (các hộ đều hỗ trợ ở mức tối đa); một số hộ gia đình chưa đủ điều kiện về chuồng trại, nhân công lao động nhưng vẫn được hỗ trợ nên không duy trì sau khi được hỗ trợ.

Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, theo dõi các D.A sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn hình thức, hiệu quả chưa cao…

Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cam kết khi tham gia D.A chưa hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng các hộ dân bán con giống khi chưa đủ thời gian chăn nuôi theo cam kết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do, một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các D.A…

Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách chưa sâu sát; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, phòng ban chuyên môn cấp huyện và các xã chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế gia đình khó khăn, khó đối ứng và khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Căn cứ kết quả thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Hải Hà chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết