A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngời sáng tấm gương phóng viên ảnh chiến trường

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Nam Bộ nói chung và vùng căn cứ U Minh nói riêng là một trong vùng chiến sự ác liệt nhất. Không quản ngại gian khổ, hy sinh, những phóng viên ảnh chiến trường đã theo bước chân anh Giải phóng quân, ghi lại những bức ảnh để đời. Tiêu biểu phải kể đến nhà báo, liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl và nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ An Khánh.

Trần Bỉnh Khuôl, thường gọi Hai Nhiếp, sinh năm 1913, tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia công tác đoàn thể, rồi hoạt động bí mật trong lòng địch tại Bạc Liêu. Ông đã bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Sau ngày vượt ngục trở về, ông tiếp tục công tác tuyên huấn. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, ông được tổ chức bố trí ở lại hoạt động.

Năm 1961, Trần Bỉnh Khuôl được điều về công tác ở cơ quan Thông tấn Báo chí Khu IX (Tây Nam Bộ), thuộc Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh. Ông là một trong số không nhiều cán bộ nhiếp ảnh cốt cán thuộc thế hệ đầu tiên của ngành nhiếp ảnh Tây Nam Bộ. Trong thời chống Mỹ, ông được tổ chức phân công giữ chức Trưởng phòng Nhiếp ảnh, Thông tấn xã Giải phóng khu IX, trực thuộc Thông tấn xã Giải phóng.

Trạm quân y dã chiến. Ảnh: VÕ AN KHÁNH 

Trần Bỉnh Khuôl vừa là nhiếp ảnh gia vừa là nhà quay phim có nghề và là cán bộ quản lý tài năng. Mỗi khi sắp xếp xong công việc, ông tranh thủ theo chân các chiến sĩ đi chiến dịch. Năm 1963, trong một đêm trời tối đen như mực, chốc chốc lại ánh lên những vệt sáng và những tiếng nổ chát chúa xé nát không gian yên tĩnh, phóng viên Hai Nhiếp bình tĩnh ghi lại khoảnh khắc các chiến sĩ Giải phóng quân “chân đồng vai sắt” mình trần, dũng mãnh vượt qua các lớp kẽm gai nhanh chóng đánh chiếm đồn Cái Keo - Đầm Dơi, Cà Mau.

Bức ảnh cho thấy cả một không khí căng thẳng đến nghẹt thở giữa cái sống và cái chết. Song qua nét mặt của từng chiến sĩ, tất cả đều chỉ nhằm về một hướng là quyết tâm xông lên diệt thù. Tác phẩm của ông không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường mà còn nói lên sự lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của những chiến sĩ. Họ coi cái chết cho “độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc” nhẹ như lông hồng, không một chút so đo, tính toán.

Ngày 12-12-1968, Trần Bỉnh Khuôl nhận nhiệm vụ đi làm phóng sự về trận đánh Rạch Trui, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trong khi đang tác nghiệp, ông đã bị trúng bom và anh dũng hy sinh. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Cùng chiến đấu trên một mặt trận, khi nói đến nhà báo Hai Nhiếp, phải kể đến NSNA Võ An Khánh. Tên thật của ông là Võ Nguyên Nhân, tên thân mật là Tám Khánh, sinh năm 1936, nguyên quán tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ông qua đời năm 2023, trước khi được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Năm 1956, anh của Võ Nguyên Nhân bị địch bắt, bọn địch ra sức khủng bố gia đình. Võ Nguyên Nhân đành lánh lên Sài Gòn học và làm cho tiệm ảnh Việt Long. Năm 1957, ông trở về quê, rồi thoát ly gia đình vào căn cứ U Minh. Từ đây, ông bắt đầu cầm máy phục vụ công tác tuyên truyền dưới cái tên Võ An Khánh. Năm 1961, ông được điều về công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh đội Cà Mau. Năm 1969, ông được cử làm Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Nhiếp ảnh. Năm 1974, ông làm công tác đào tạo ở Cà Mau và phụ trách tổ nhiếp ảnh của tỉnh.

Điều mà nhiều đồng nghiệp quan tâm nhất ở Tám Khánh chính là bộ ảnh chiến tranh của ông, mỗi tấm ảnh không chỉ đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà có lúc còn phải trả bằng máu xương. Tám Khánh là một phóng viên ảnh can trường không ngại hiểm nguy. Ông luôn bám theo những mũi nhọn chiến đấu. Ông đã “chớp” được những khoảnh khắc có một không hai của bộ đội ta công đồn, cảnh dân công hỏa tuyến, nhân dân nuôi quân, bảo vệ cán bộ, bộ đội trong những căn hầm bí mật... Đặc biệt bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”  là một trong 180 bức ảnh được các phóng viên ảnh Việt Nam chụp trong chiến tranh, được triển lãm nhiều nơi tại Mỹ năm 2002. Bức ảnh này được cây bút bình luận nổi tiếng Margaret Loke của tờ New York Times bình luận: “Đó là một trong những bức ảnh giá trị nhất của phóng viên chiến trường”.

Sự nghiệp sáng tác của liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl và NSNA Võ An Khánh đều gắn liền với phong trào cách mạng trên quê hương Tây Nam Bộ. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua sau chiến tranh, những tác phẩm của hai ông vẫn thường xuyên được đăng tải, như những tư liệu sống về một vùng sông nước anh hùng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN MẠNH THƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết