A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngày này năm xưa 23/08: Phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày này năm xưa, phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 1996 – 2010; Bộ Công Thương ban hành quyết định bổ sung Quy hoạch, khai thác khoáng sản...

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

- Ngày 23/08/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 677/TTg (1997) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 1996 – 2010.

Mục tiêu xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành một trong những vùng động lực phát triển công nghiệp và nông nghiệp của cả nước; Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nứơc khoảng 1,2 - 1,3 lần; Lực lượng sản xuất đạt trình độ tương đối hiện đại, về cơ bản điện khí hóa toàn vùng.

Đến năm 2010, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 8 đến 9 lần so với năm 1996; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1400 USD; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.

Phát huy đầy đủ nguồn lực của các thành phần kinh tế. Kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo cùng với kinh tế hợp tác xã trở thành nền tảng của nền kinh tế với tỷ trọng khoảng 60% trong GDP. Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước cùng phát triển.

Ngày này năm xưa 23/08: Phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng
Ngày này năm xưa, phê duyệt quy hoạch tổng vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 1996 – 2010. Ảnh minh hoạ

- Ngày 23/08/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 57/1999/QĐ-BCN về việc ban hành Quy chế nghiệm thu, thẩm định, xét duyệt, phê duyệt đề án và báo cáo tổng kết đề án điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

- Ngày 23/08/2001, Bộ Công nghiệp ban hành quyết định 40/2001/QĐ-BCN về việc chuyển Xí nghiệp May Việt Hưng thuộc Công ty May Việt Tiến thành Công ty cổ phần Việt Hưng.

- Ngày 23/08/2004, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08/2004/TT-BYT hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng. Theo đó, để thống nhất quản lý việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường; đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khi kinh doanh.

Thực phẩm chức năng, tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác sau: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Sản phẩm dinh dưỡng y học.

- Ngày 23/08/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 139/2007/QĐ-TTG phê duyệt "Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020''

- Ngày 23/08/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1461/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo về điều phối kết nối ASEAN của Việt Nam.

- Ngày 23/08/2013, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 6000/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, moliđen Việt Nam đến năm 2015 có xét đến năm 2025.

- Ngày 23/08/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3471/QĐ-BCT về Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Bản Chát.

- Ngày 23/08/2021, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

- Ngày 23/8/1907, nhà viết kịch bản tuồng Đào Tấn qua đời. Ông sinh nǎm 1845 ở xã Tuy Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cuộc đời ông có nhiều nét đặc biệt: 3 lần làm tổng đốc, 4 lần làm thượng thư, nhưng cuối cùng ông là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Ngày này năm xưa 23/08: Phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng
Ngày 23/08/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3471/QĐ-BCT về Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Bản Chát

- Ngày 23/8/1911, ngày sinh nhà thơ Bút Tre tên thật là Đặng Vǎn Đǎng. Ông sinh ra tại xã Đồng Lương, Sông Thao, Phú Thọ. Trước cách mạng, ông dạy học ở Tuyên Quang. Tháng 6-1946 ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Nǎm 1947, ông làm báo Giải phóng khu X. Nǎm 1956 ông về Bộ Ngoại giao làm Bí thư cho Thứ trưởng Ung Vǎn Khiêm. Nǎm 1960 trở về quê làm Trưởng phòng thông tin Ủy ban hành chính tỉnh, sau đó ông phụ trách Báo Phú Thọ. Nǎm 1962 ông được bổ nhiệm Trưởng ty vǎn hóa Phú Thọ và nǎm 1968 làm Phó ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Bút Tre mất ngày 18/5/1987.

- Ngày 23/8/1979: Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh (đặt trong Thảo Cầm Viên của thành phố) được thành lập. Với 2.000m2 diện tích trưng bày, bảo tàng gồm có các phòng chính: Phòng giới thiệu khái quát đất nước, con người Việt Nam; Phòng trưng bày các di vật, công cụ bằng đá; Phòng nói về giai đoạn chống ngoại xâm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước; Phòng dân tộc học bày một số hiện vật và hình ảnh về sinh hoạt vật chất và tinh thần của 54 dân tộc ở Việt Nam; Phòng giới thiệu về Sài Gòn xưa, về các chuyên đề, các hiện vật như đồ gốm thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV), đồ mỹ nghệ dân gian, di vật vǎn hóa Óc Eo, v.v...

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 23/8/1939: Liên Xô và Đức Quốc Xã ký kết Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau), trong đó bao gồm việc phân chia ảnh hưởng tại Đông Âu.

- Ngày 23/8/1866: Chiến tranh Áo-Phổ kết thúc bằng Hòa ước Praha.

- Ngày 23/8/1765: Khởi đầu cuộc Chiến tranh Xiêm-Miến giữa Ayutthaya và Konbaung .

- Ngày 23/8/1305: Hiệp sĩ William Wallace bị hành hình vì phạm tội đại nghịch ở Luân Đôn.

- Ngày 23/8/476: Sau khi phế truất hoàng đế La Mã Romulus Augustus, thủ lĩnh người Germain Odoacer được binh lính tôn là rex Italiae (Vua Ý).

Sự kiện về Bác Hồ:

- Ngày 23/8/1945, từ chiến khu Tân Trào, Bác về Thủ đô Hà Nội, lúc này Tổng khởi nghĩa đã thành công. Từ huyện Đa Phúc (khi đó thuộc Phúc Yên), Bác vượt sông Hồng tại bến đò Phú Xá và tạm trú tại gia đình một cơ sở cách mạng ở làng Ga (Phú Thượng, Từ Liêm).

- Ngày 23/8/1953, đến thăm và nói chuyện với Lớp Chỉnh huấn Quân khu I, Bác đề cập vấn đề gia đình: “Cố nhiên gia đình ai cũng có, không có không được. Nhưng mình là người cách mạng, người kháng chiến được Đảng giáo dục phải trông xa thấy rộng hơn. Mình có gia đình, gia đình to nhất là giai cấp... nếu giai cấp chưa được giải phóng hoàn toàn thì mình chưa được giải phóng hoàn toàn... Phải cân nhắc kỹ: hy sinh lợi ích gia đình nhỏ cho gia đình to, hay hy sinh gia đình to cho gia đình nhỏ của mình. Các cô các chú tự cân nhắc đúng thì sẽ ít thắc mắc về tiểu gia đình của mình. Phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung... Người ta ai chẳng có gia đình và thương gia đình. Nhưng cũng có người hy sinh gia đình nhỏ cho đại gia đình. Thí dụ các liệt sĩ nước ta. Cũng có người biết như thế không muốn có tiểu gia đình để toàn tâm toàn ý cho đại gia đình”.

- Ngày 23/8/1958, Bác đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong của Đảng bộ Hà Nội, căn dặn cán bộ và học viên nhà trường: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành".

- Ngày 23/8/1965, Báo Nhân Dân đăng bài “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” của Bác (với bút danh là “Chiến Sĩ”). Bài báo lên án việc Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn (L.B.Johnson) vừa tăng cường chiến tranh vừa đưa ra chiêu bài thương lượng hòa bình. Bài báo đưa ra thông điệp: Bao nhiêu lính Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm nó sa lầy càng sâu thêm... “Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng”. Cách giải quyết “hòa bình trong danh dự” là Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, như bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và năm điều của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu rõ”.

- Lời Bác dạy ngày này năm xưa: “Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc”. Đó là lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết”, Người viết tại Quảng Châu, Trung Quốc, đăng trên Báo Thanh niên, số 9, ngày 23/8/1925. Đây là giai đoạn phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trên thế giới cũng như ở Đông Dương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết