"Chữa bệnh" cho tàu để vươn ra biển lớn
Mỗi con tàu vươn khơi được ví như một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng. Thế nhưng, có những chi tiết nhỏ hỏng hóc buộc tàu phải ngừng hoạt động gây lãng phí lớn. Nhiều năm tìm hiểu và “bắt bệnh” của tàu, Trung tá Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Cơ khí trang bị tàu, Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu thiết kế kỹ thuật nhiều công trình được ứng dụng, góp phần vận hành các tàu quân sự thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và dân sinh.
Nặng lòng trăn trở khi thấy tàu “có bệnh”
Ngày còn khoác trên mình màu áo trắng Bộ đội Hải quân, anh Dũng đã nhiều lần đứng ngắm biển. Biển dạt dào chứa bao điều kỳ bí. Chỉ có những con tàu mới đủ sức vươn khơi. Tàu ấy được điều khiển bằng bàn tay, khối óc của chính đồng đội anh. Những người lính biển can trường vươn lên làm chủ mỗi con tàu để canh giữ biển biếc quê hương. Trong miên man suy nghĩ, anh bỗng thấy dâng lên nỗi niềm trăn trở về những thân tàu đang xếp hàng trong Nhà máy X46, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân (QCHQ). Tàu “có bệnh” cần lắm bàn tay người lính thợ “kê đơn”, “bốc thuốc” đặc trị.
Trung tá Phạm Tiến Dũng (ngoài cùng, bên trái) bồi dưỡng về lập trình khai thác máy công nghệ cao. |
Năm 2007, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, anh Dũng được điều động về Nhà máy X46 với cương vị Trợ lý kỹ thuật. Ở môi trường công tác mới, nhất là chuyên ngành cơ khí chế tạo máy đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn vững, kinh nghiệm dày dặn. Phải bắt đầu từ đâu? Phải làm như thế nào? Đó là những câu hỏi mà người kỹ sư trẻ Phạm Tiến Dũng đặt ra. Anh nhớ lời chỉ huy lúc đó dặn: Nhà máy đang thiếu nhân lực, không có thời gian để tập sự, phải vừa làm vừa học hỏi, rồi sẽ có kinh nghiệm.
Lời chỉ huy là nguồn động viên để anh tự tin bám xưởng, bám tàu, tham gia khắc phục hỏng hóc hệ trục chân vịt, hệ lái, hệ neo, các trang thiết bị mặt boong, cẩu, tời, hệ cửa tàu, cầu mũi... Những con tàu của các đơn vị khi đưa về Nhà máy được anh cùng đồng đội xác định hỏng hóc, xây dựng bản vẽ, dự trù vật tư, triển khai sản xuất để sửa chữa, thay thế.
Đứng trước con tàu với hàng nghìn thiết bị, đã có lúc mắt anh hoa lên, trong đầu rối như tơ vò. Tuy chỉ hỏng những thiết bị nhỏ nhưng nó khiến cả con tàu lớn phải dừng hoạt động, nghĩ đến đó, anh tự hối thúc mình phải khắc phục kịp thời không để lãng phí tài sản của Quân đội. Thế nhưng, những chi tiết hỏng hóc vô tri đâu thể hiểu được trăn trở của người kỹ sư trẻ. Chúng như đang thách thức, vắt kiệt trí lực của anh. Đó là khi được giao nhiệm vụ sửa chữa hệ cẩu 25 tấn trên một pông tông chở hàng, anh đã mất 4 tháng không ra khỏi đơn vị. Cả ngày vùi mình bên những khối máy đen sì, đầu tóc rối bời, áo quần khen khét dầu mỡ. Nhất là tàu đã qua nhiều năm sử dụng, không có bản vẽ kỹ thuật nên không nắm được kết cấu. Không nản, anh Dũng tự mày mò và tham khảo ý kiến của người đi trước để rồi hoàn thiện thiết kế, chế tạo thiết bị thay thế hỏng hóc. Nhờ vậy, hệ cẩu đã hoạt động đúng như tính năng ban đầu. Khi đưa vào sử dụng, tàu đã nâng cao năng lực vận tải, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đề tài từ đòi hỏi thực tiễn
“Những năm tháng công tác tại Nhà máy X46 đối với tôi vô cùng quý báu. Đó là quãng thời gian được thực hành và tích lũy kinh nghiệm”, Trung tá Phạm Tiến Dũng nói với chúng tôi như vậy. Nhớ lại thời điểm vừa nhận tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành cơ khí chế tạo máy cũng là lúc anh chuyển đơn vị mới. Ngày chia tay Nhà máy X46, anh thấy lòng chống chếnh vì phải xa đội ngũ kỹ sư lành nghề, xa những người thợ máy và cả những con tàu hỏng nằm chờ sửa chữa. Về Viện Thiết kế tàu quân sự, anh có điều kiện phát huy sáng tạo nhưng không vì thế mà rời xa cơ sở. Những trang viết trong phòng nghiên cứu vẫn thấm mồ hôi, mặn mòi vị biển và phảng phất mùi dầu mỡ.
Anh kể với chúng tôi về đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế thử bộ lò xo dạng đĩa côn trong hệ thống phanh cẩu thủy lực trên tàu vận tải quân sự” đạt hiệu quả cao là nhờ nghiên cứu kỹ thực trạng ở cơ sở. Thực tế là những hỏng hóc của bộ lò xo dạng đĩa côn đã ảnh hưởng tới tính năng làm việc của cụm phanh quay cần trên hệ cẩu thủy lực 1,5 tấn của các tàu vận tải quân sự. Nhiều thợ cơ khí ở nhà máy đã mày mò tìm hiểu nhưng chưa giải quyết được.
Đêm xuống giữa bộn bề hồ sơ, anh vùi đầu vào đọc rồi ghi chép cẩn thận. Ánh sáng đèn khuya khúc xạ những sợi bạc trên mái tóc bồng bềnh. Đôi mắt vẫn dán vào những trang tài liệu. Nhớ lại những kinh nghiệm khi công tác ở Nhà máy X46, ý tưởng nảy ra, anh thiếp đi nhè nhẹ giữa đêm khuya. Sớm hôm sau, anh trình bày với thủ trưởng về đề tài nghiên cứu. Được cấp trên hỗ trợ thủ tục, anh tự tin cùng nhóm thực hiện khảo sát mẫu, tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật, xây dựng bản vẽ, lựa chọn vật liệu và phương án công nghệ. Sản phẩm mẫu hoàn thành thử nghiệm trên tàu được hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt.
Trung tá Phạm Tiến Dũng (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu nguyên lý làm việc của móc kéo thủy lực 15 tấn. |
Đã qua những tháng ngày xa gia đình, quên ăn, quên ngủ, chứng kiến sản phẩm thành công, anh vui trào nước mắt. Bởi từ nghiên cứu này đã “tái sinh” nhiều con tàu để tiếp tục trên những hải trình dang dở. Khi Trung tá Phạm Tiến Dũng nói về hiệu quả công trình mà niềm vui ánh lên rạng rỡ trên gương mặt: “Bộ lò xo dạng đĩa côn được nghiệm thu và đưa vào sản xuất không chỉ giúp các nhà máy đóng tàu làm chủ vật tư thay thế mà còn giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, bảo đảm tiến độ sản xuất”.
Niềm vui từ anh truyền tới những người lính thợ, giúp đơn vị giải quyết vướng mắc bấy lâu. Sản phẩm hiện được khai thác, sử dụng trên hệ cẩu thủy lực 1,5 tấn tàu vận tải quân sự của QCHQ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng tại Viện Thiết kế tàu quân sự và trong công tác giảng dạy ở các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật và chuyên ngành tàu.
Gian nan không nản để thành công
Trên hành trình nghiên cứu, đâu phải lúc nào cũng hái được quả ngọt, anh Dũng cũng từng nếm “trái đắng”. Nhưng thứ “trái đắng” không làm anh chùn bước. Ngược lại, thất bại là động lực để anh dấn thân đi tìm nguồn sáng mới. Trong năm 2018, anh tìm hiểu thực tế khai thác sử dụng các tàu quân sự có trang bị máy M500, 7D6, 7D12 đang gặp khó khăn về vật tư ống nhún. Vì vậy, anh đề xuất nghiên cứu đề tài “Chế tạo ống nhún giảm chấn cho hệ ống xả các máy diesel M500, 7D6, 7D12 phục vụ sửa chữa, khai thác”.
Anh cùng đồng đội khảo sát các mẫu ống nhún tại Kho 700 (Cục Hậu cần QCHQ) và Nhà máy X46. Giai đoạn chế thử mới là hành trình gian nan. Giữa tháng 6-2020, trời như đổ lửa. Tại Xưởng chế thử, khung thép, mái tôn nóng hầm hập như chảo rang. Tiếng máy chạy ì ầm, mùi dầu mỡ đặc quánh. Trong không gian ngộp thở ấy, anh vẫn tỉ mẩn theo dõi, hướng dẫn thợ kỹ thuật chế tạo mẫu thử. 4 thiết bị hoàn thành đưa vào thử nghiệm. Anh hồi hộp đợi chờ kết quả, mỗi giây trôi qua thật nặng nề. Lồng ngực tưởng chừng như bị ép lại rồi rung lên cùng với thiết bị. Như quả bóng bị bơm căng bỗng nổ toang, 4 ống nhún vỡ bục, lấy đi của anh... 50 triệu đồng. Anh đứng nhìn những mảnh vỡ mà lòng xót xa. Thấy gương mặt tiếc nuối của anh, Trung tá Phạm Văn Dũng, Xưởng trưởng Xưởng chế thử đã khuyên nhủ:
- Làm mẫu tốn kém thế này, lấy tiền đâu mà đầu tư. Thôi bỏ đi!
- Không! “Thua keo này bày keo khác”, tôi tin sẽ thành công!-Anh Dũng đáp lại.
Câu trả lời chắc nịch của người cán bộ nghiên cứu dạn dày kinh nghiệm như xua đi mọi ngờ vực. Nó tựa như cái ngày chọn thi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhưng vì lời mẹ khuyên, anh đã quyết định chuyển hướng thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự để giảm gánh nặng cho gia đình. Rồi khi ra trường, anh lo chu cấp cho em gái học xong đại học mới nghĩ đến chuyện của riêng mình. 31 tuổi, anh Dũng lập gia đình. Ấy thế mà công việc cứ cuốn đi, chẳng có ngày nghỉ để dành cho tổ ấm. Trong miên man chuyện kể, tôi hỏi anh:
- Thế anh đã “bày keo khác” ra sao sau lần thất bại đó?
- Tôi phải tìm hiểu rất kỹ tiêu chuẩn của Nga về vật liệu, công nghệ chế tạo, quy trình thử nghiệm. Sau đó, sản phẩm được thử tại Nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và Trung tâm Giám định chất lượng (Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) đạt kết quả tốt. Đề tài được đề nghị sản xuất phục vụ quá trình khai thác, sửa chữa tàu tại các nhà máy.
Từ thành công trong quá trình nghiên cứu, anh theo dõi, hướng dẫn đồng nghiệp làm các đề tài mới. Cùng với đó, anh tích cực biên soạn tài liệu, bổ sung kinh nghiệm cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, tham gia giám sát thi công đóng mới và sửa chữa tàu ở các nhà máy, đơn vị. Nhiều năm chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, Thượng tá Phạm Thành Trung, Phó viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự đánh giá: “Có thời gian trải nghiệm thực tế tại nhà máy nên các nhận định của đồng chí Phạm Tiến Dũng về nhu cầu của đơn vị cơ sở là phù hợp. Các đề tài tham gia có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực”.
Trong quá trình công tác, Trung tá Phạm Tiến Dũng đạt nhiều thành tích cao, như: Giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội (năm 2016), giải khuyến khích (các năm 2015, 2017, 2022); Bằng khen về thành tích xuất sắc trong hoạt động Phong trào “Sáng tạo trẻ” Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng giai đoạn 2000-2020 (năm 2020). |