A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cơ quan chức năng nói gì về biện pháp quản lý đầu số 1900?

Số 1900 không được quy hoạch để chủ động gọi/nhắn tin cho khách hàng nhằm câu kéo, lôi kéo thuê bao gọi đến số 1900 mà chỉ có chức năng đón nhận cuộc gọi đến.

Vừa qua trên mạng xã hội có 1 sự việc nhận được nhiều sự chú ý, khi 1 tài khoản phản ánh xe máy của anh ta bị vấn đề nên tra Google số tổng đài của hãng xe máy này để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, tài khoản này đã tìm nhầm 1 đầu số 1900 và mất hơn 100.000 đồng sau chỉ hơn 10 phút tư vấn.

Quy định và điều kiện đăng ký của đầu số 1900 như thế nào?
Một tài khoản tìm nhầm 1 đầu số 1900 và mất hơn 100.000 đồng sau chỉ hơn 10 phút tư vấn

Theo đó, nhiều người băn khoăn về quy định và điều kiện đăng ký của đầu số 1900 là gì? Với cước phí từ 1.000-15.000đ/phút, tỷ lệ ăn chia giữa doanh nghiệp và các nhà mạng ra sao? Đồng thời, trước tình trạng mạo danh các doanh nghiệp chính thống để ăn cước phí 1900 đang gia tăng, có biện pháp quản lý như thế nào?

Về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo quy định quản lý, sử dụng kho số viễn thông tại Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, số dịch vụ gọi giá cao 1900 được phân bổ cho các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng loại mạng cố định mặt đất.

Các doanh nghiệp này sau khi được Cục Viễn thông phân bổ dải số 1900 sẽ thực hiện khai báo, cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Điểm e khoản 15 Điều 3 Thông tư 27/2021/TT-BTTT quy định: Dịch vụ gọi giá cao (Premium Service) là dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin và yêu cầu người sử dụng dịch vụ phải thanh toán thêm một khoản giá cước để nhận được các nội dung thông tin đặc thù có giá trị cao ngoài giá cước viễn thông theo quy định.

Như vậy, cơ cấu giá dịch vụ gọi giá cao (1900xxxx) ngoài giá cước viễn thông còn có giá cước nội dung thông tin đặc thù có giá trị cao.

Theo các quy định hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông không có thẩm quyền quy định tỷ lệ phân chia chung trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nội dung số, các doanh nghiệp chủ động đàm phán tỷ lệ phân chia doanh thu trên cơ sở giá thành, việc cung và cầu trên thị thường bao gồm rất nhiều yếu tố như loại dịch vụ/nội dung, tính chất/chất lượng dịch vụ, đầu tư/khấu hao/mức sử dụng hạ tầng, mặt bằng thị trường, cung/cầu, định hướng/chính sách phát triển kinh doanh tại từng thời điểm…

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên số dịch vụ gọi giá cao 1900, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các biện pháp như sau: Về chính sách: Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 30/2021/TT-BTTTT đã quy định: “Số dịch vụ gọi giá cao chỉ được sử dụng để tiếp nhận cuộc gọi đến. Không sử dụng số dịch vụ gọi giá cao để gọi đi. Không sử dụng số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao để gửi và nhận tin nhắn”.

Như vậy, số 1900 không được quy hoạch để chủ động gọi/nhắn tin cho khách hàng nhằm câu kéo, lôi kéo thuê bao gọi đến số 1900 mà chỉ có chức năng đón nhận cuộc gọi đến. Vì vậy, thuê bao viễn thông cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin quảng bá về số 1900 của các tổ chức, doanh nghiệp trước khi thực hiện cuộc gọi.

Về chỉ đạo điều hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện và thông báo các doanh nghiệp cung cấp nội dung có ký kết hợp đồng: Triển khai các biện pháp kỹ thuật để thông báo giá cước trước khi tính cước khi người sử dụng dịch vụ viễn thông gọi tới các tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung; Không tính cước phí theo giá cước gọi tới các tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung trong khoảng thời gian thông báo giá cước cho người sử dụng dịch vụ.

"Theo đó, khi khách hàng gọi điện đến đầu số 1900 sẽ được thông báo giá cước, trong khoảng thời gian thông báo giá cước đó khách hàng sẽ chưa bị tính phí dịch vụ. Do đó, khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về giá cước trước khi lựa chọn việc sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ" - đại diện Cục Viễn thông cho hay.

Về thông tin tuyên truyền, đối với việc lừa đảo, giả mạo trên Internet, thời gian vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhiều biện pháp truyền thông qua nhiều phương tiện bao gồm cả việc nhắn tin đề nghị người dân cảnh giác với thông tin giả mạo, lừa đảo trên Internet.

Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch đề nghị tra cứu thông tin về website mà mình truy cập bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp TCTM (tên miền hoặc link website) gửi 156 hoặc tra cứu tại: https://tracuutenmien.gov.vn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Khoản 4 Điều 5, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu: Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo Điều 10, các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Đồng thời, nghiêm cấm: Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng... Như vậy, người dùng có thể liên hệ với cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phản ánh và để được bảo vệ.


Tác giả: Quỳnh Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết