A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xe công nghệ mới khó đặt chân vào thị trường?

Ba hãng gọi xe trực tuyến là Grab, Gojek và Be chiếm 99% thị phần gọi xe công nghệ. Với tỷ lệ trên và nhiều rào cản khác, nhiều ý kiến cho rằng rất khó để hãng xe mới gia nhập thị trường này.

Xe công nghệ mới khó đặt chân vào thị trường? ảnh 1

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam có sự tham gia của nhiều hãng

Với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thi trường gọi xe trực tuyến (ride-hailing) hay “gọi xe công nghệ” tại Việt Nam được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đứng ngồi không yên.

Ông Đinh Văn Minh – Chuyên viên Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, hiện tại, Việt Nam có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu hoạt động dịch vụ gọi xe trực tuyến.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng Phòng Quản lý thương mại điện tử (Cục TMĐT&KTS – Bộ Công Thương) cũng cho hay, sau 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời và cạnh tranh khốc liệt với dịch vụ đa dạng hơn và quy mô thị trường lớn hơn nhiều với mức tăng trưởng cao thứ 2 chỉ sau thị trường TMĐT bán lẻ.

 

Dẫn số liệu của Statista năm 2020, bà Trần Phương Lan- Trưởng phòng Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho hay, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%, cho thấy mức độ tập trung thị trường khá cao.

Tuy nhiên, thị phần chỉ phản ánh trạng thái hiện tại của thị trường, không nhất thiết phản ánh đầy đủ về cấu trúc và thực trạng cạnh tranh trên thị trường.

Nói thêm về cạnh tranh trên thị trường gọi xe, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, trong bất kỳ lĩnh vực nào thì dữ liệu đều rất quan trọng, đặc biệt là dữ liệu về khách hàng. Khi có lượng người dùng nhất định thì việc cung cấp thêm các dịch vụ khác mà khách hàng có nhu cầu là một xu hướng tất yếu.

Vì vậy, các ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng mới như giao hàng, thanh toán điện tử, giao đồ ăn… vào nền tảng ban đầu với sự tham gia của các đơn vị có tiềm lực tài chính, công nghệ.

 

“Việc này sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa và tăng hiệu suất của các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp mới càng khó khăn hơn khi muốn thâm nhập và khai thác thị trường này”- ông Nguyễn Hữu Tuấn đánh giá.

Có thể thấy rõ sự “xoay sở” khá linh hoạt của các hãng xe công nghệ khi đại dịch Covid-19 diễn ra khiến dịch vụ gọi xe công nghệ bị gián đoạn hoạt động trong nhiều thời điểm. Tuy nhiên, các nền tảng gọi xe trực tuyến đã tăng cường mở rộng, bổ sung các dịch vụ khác và liên tục giới thiệu các dịch vụ mới trên nền tảng của mình nhằm thích nghi với hoàn cảnh, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân trong mùa dịch. Do đó mà nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong và hậu Covid-19 càng trở nên khốc liệt hơn, không chỉ ganh đua về phí dịch vụ, mà còn cạnh tranh nhau về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng.

Dù cạnh tranh công bằng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng song điều này cũng tạo ra những thách thức, áp lực lớn hơn đối với các doanh nghiệp tiềm năng, muốn gia nhập thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết