Nền tảng cho sự phát triển của ngành hàng không
Bảo đảm an toàn được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng nhất, cốt lõi, không thể đánh đổi đối với ngành hàng không. Việt Nam đã duy trì an toàn hàng không liên tục trong nhiều năm liền, góp phần quan trọng để ngành hàng không dân dụng đạt được những bước phát triển vượt bậc.
Đáp ứng những yêu cầu khắt khe về an toàn
Cuối năm 2021, chuyến bay thẳng đầu tiên giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco (Mỹ) chính thức được khai thác bởi hãng hàng không của Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng với ngành hàng không dân dụng nước ta. Để khai thác được đường bay thẳng đến Mỹ, một trong những yêu cầu không thể thiếu là vào năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xếp hạng năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức 1 (CAT 1). Đây là mức xếp hạng năng lực giám sát an toàn hàng không cao nhất của nhà chức trách hàng không Mỹ đối với các nhà chức trách hàng không nước ngoài. Kết quả này thể hiện năng lực giám sát an toàn của hàng không Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như Mỹ.
Để bảo đảm an toàn hàng không, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó, 3 nội dung chính cần được chú trọng là xây dựng, hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng. Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ngoài những nguyên nhân khách quan như thời tiết không thuận lợi, tần suất khai thác tăng, áp lực về thời gian thì nhận thức và sự thấu hiểu của các cá nhân về an toàn luôn là thách thức với các hãng hàng không. Đối với Vietnam Airlines, mọi cá nhân có trách nhiệm tham gia vào công tác bảo đảm an toàn của tổ chức. Để cán bộ, công nhân viên đồng thuận, cùng nhận thức đúng đắn về công tác an toàn, Vietnam Airlines triển khai các khóa huấn luyện, đào tạo bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức và thấu hiểu hoạt động khai thác an toàn. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, tổng công ty đã đầu tư kiên trì, quy mô lớn cho lĩnh vực an toàn và khai thác, từ hạ tầng hiện đại, đội máy bay thế hệ mới, hệ thống giám sát kỹ thuật 24 giờ/7 ngày đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng văn hóa an toàn vững chắc.
Khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY |
Vượt qua thách thức mới
Những năm qua, ngành hàng không thế giới đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong lĩnh vực an toàn. Các hệ thống, quy định và tiêu chuẩn giám sát ngày càng được hoàn thiện. Những thế hệ máy bay mới góp phần tối ưu hiệu quả vận hành và bảo đảm an toàn bay. Cùng với đó, giải pháp công nghệ thông tin cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường tự động hóa, hỗ trợ dự báo và ngăn ngừa rủi ro. Đặc biệt, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, công nghệ giữa các tổ chức hàng không toàn cầu giúp nâng cao hiệu quả khai thác và các chỉ số an toàn hàng không. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tỷ lệ tai nạn hàng không của thế giới năm 2022 chỉ ở mức 1,21 vụ việc trên 1 triệu chặng bay, giảm 48% so với 10 năm trước đó (năm 2013). Các hãng hàng không thành viên IATA thậm chí còn đạt kết quả tích cực hơn, trung bình ở mức 0,76 vụ/1 triệu chặng bay trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022.
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đánh giá, ngành hàng không đã gặt hái được những kết quả tích cực trong lĩnh vực an toàn và khai thác, nổi bật là 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không thương mại. Các hãng hàng không Việt Nam đều được IATA cấp chứng nhận an toàn khai thác. Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai toàn diện nhiều giải pháp. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, toàn diện về an toàn hàng không, ban hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam từ năm 2006 cùng các nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện. Từ năm 2013, Bộ GTVT đã triển khai chương trình an toàn quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng, thể hiện cam kết mạnh mẽ và rõ ràng của Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn hàng không trên nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ các quy định của quốc tế.
Ngành hàng không cũng từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát cũng như khả năng bảo đảm an toàn của các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đầu tư hạ tầng, giúp nâng cao năng lực khai thác hàng không. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hình thành 30 cảng hàng không theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng ứng dụng các công nghệ mới như quản trị cơ sở dữ liệu nhận dạng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay, hàng không toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, biến động và rủi ro, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong đó, 4 áp lực lớn nhất của hàng không Việt Nam là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro. Đây là những thách thức cần vượt qua để phát triển hàng không bền vững, mang đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất, cũng như hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một điểm trung chuyển hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Tại Hội nghị an toàn và khai thác hàng không thế giới năm 2023 vừa được tổ chức ở Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị IATA, các đối tác quốc tế tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, tích cực đưa ra các sáng kiến, giải pháp hữu hiệu về tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.