A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỳ vọng phục hồi từ thị trường chứng khoán

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, từng bước giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động và cho vay đều giảm cũng góp phần khiến cho dòng tiền đi vào thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu có sự phục hồi đáng kể.

Đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN), TTCK nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh. Những kết quả khả quan về tình hình kinh tế-xã hội, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố nền tảng tích cực của TTCK nước nhà.

Về hoạt động tổ chức thị trường, Ủy ban CKNN đã đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến hết quý I-2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 230.134 tỷ đồng, tăng 27,4%; tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; đối với các công ty quản lý quỹ, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các công ty quản lý quỹ thống kê tại thời điểm hết tháng 5-2023 ước tính khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ ổn định, có lãi.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, thay vào đó là những "tia nắng" đầu tiên của chu kỳ phục hồi. VNDIRECT kỳ vọng những giải pháp hỗ trợ từ cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam quay trở lại đúng quỹ đạo, bắt đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới. Đánh giá về TTCK Việt Nam, VNDIRECT nhận thấy dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần được cải thiện. Do đó, VNDIRECT tin rằng đây là thời điểm “thích hợp” để các nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

 Người dân mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị BRG Mart. Ảnh: THU HUYỀN

Hướng tới hoạt động minh bạch, hiệu quả, bền vững

Các chuyên gia tài chính phân tích, lãi suất thấp sẽ tác động tích cực và lan tỏa đến nhiều ngành trong nền kinh tế. Cụ thể, lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện, nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, trong phiên giao dịch ngày 18-7, xuất hiện tình trạng giằng co quanh mốc tham chiếu sau nhịp tăng điểm liên tục, VN Index gần như không có thay đổi về mặt chỉ số. Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh nhẹ và chỉ có số ít được lực cầu tìm đến như ngân hàng, điện. Trái ngược với dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy sự tích cực khi tiếp tục mua ròng với thanh khoản 437 tỷ đồng, tập trung mua các mã SHS, VRE, HCM. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18-7, VN Index tăng 0,96 điểm, tương đương với 0,08%, lên mức 1.174,09 điểm; HNX Index đóng cửa tại mức 230,96 điểm, tăng 0,01 điểm. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên chủ động thu gọn danh mục, chỉ duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới 50%, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu đang có diễn biến tích lũy tốt và có xu hướng thu hút dòng tiền thuộc các nhóm ngành như: Chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.

Chủ tịch Ủy ban CKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, nền kinh tế trong nước các tháng cuối năm có nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực khi những nút thắt của kinh tế đang tiếp tục được tháo gỡ, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên, Việt Nam với độ mở kinh tế lớn vẫn tiềm ẩn những rủi ro do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị.

Thời gian tới, Ủy ban CKNN tiếp tục phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán hoàn thiện khung pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, Ủy ban CKNN sẽ tiếp tục phát triển thị trường bền vững, minh bạch thông qua việc rà soát, thẩm định chặt chẽ, đúng quy định đối với các hồ sơ phát hành; tăng cường công tác giám sát theo các tuyến và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm nhằm hỗ trợ TTCK hoạt động minh bạch, hiệu quả, bền vững.

NGUYỄN ANH VIỆT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết