A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giá vàng phục hồi trở lại sau bước giảm sâu

Sau phiên giảm sâu hôm qua, giá vàng phục hồi trở lại cả ở thị trường trong nước và thế giới.

Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi tăng nhẹ vào đầu phiên, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh và chốt phiên với mức giảm lên tới 500 nghìn đồng mỗi lượng, tại 68,00 – 68,70 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, sang đến sáng nay, kim loại quý có sự phục hồi nhẹ trở lại. Theo đó, vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết mức 68,15 – 68,85 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 68,15 - 68,87 triệu đồng/lượng (Hà Nội). Như vậy, so với chốt phiên giao dịch hôm qua, vàng SJC tại doanh nghiệp này đã tăng 150 nghìn đồng mỗi lượng.

Trên thị trường, các doanh nghiệp đang mua vào vàng SJC trong khoảng 68,00 – 68,10 triệu đồng/lượng; bán ra trong khoảng 68,80 – 68,85 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường thế giới, giá vàng cũng đã có bước phục hồi mạnh mẽ vào phiên 30/2 (đêm qua giờ Việt Nam) sau khi giảm về mức thấp nhất trong phiên ngày 29, ở khoảng 1.887 USD/ounce do thông tin tích cực hơn về đàm phán Nga - Ukraine. Chốt phiên hôm qua tại thị trường Mỹ, kim loại quý neo ở mức sát 1.933 USD/ounce.

Giá vàng phục hồi trở lại sau bước giảm sâu ảnh 1

Giá vàng tăng trở lại sau phiên giảm sâu hôm qua

Thực tế, với tốc độ tăng của lạm phát hiện nay thì vàng có thể đạt mức tăng rõ rệt hơn, nhưng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra cực kỳ quyết liệt trong việc chống lại lạm phát đã làm giảm sức hút của kim quý này.

Chủ tịch Jerome Powell đã tuyên bố trong cuộc họp báo vừa qua rằng mức độ lạm phát đòi hỏi một sự thay đổi tích cực trong chính sách tiền tệ hiện tại của họ trên hai mặt. Đầu tiên, họ đã cam kết nâng lãi suất điều hành tại mỗi cuộc họp trong số 6 cuộc họp Uỷ ban thị trường mở (FOMC) còn lại trong năm nay. Ban đầu, người ta tin rằng mỗi lần tăng lãi suất sẽ là 0,25%. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy áp lực lạm phát “xoắn ốc” với tốc độ nhanh hơn dự đoán khiến Fed phải đẩy mạnh hơn quá trình này.

Hôm 30/3, công cụ FedWatch cho thấy xác suất tăng lãi suất 0,5% ở mức 66,6% trong kỳ họp tới. Tỷ lệ này có thể cao hơn vào ngày 31/3 (đêm nay giờ Việt Nam) khi Chính phủ Mỹ công bố chỉ số lạm phát PCE gần đây nhất cho tháng Hai.

Hiện tại, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland đã công bố các ước tính và dự báo cho cả chỉ số PCE và CPI. Dự báo của họ cho thấy mức tăng PCE là 0,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cũng đã đưa ra dự đoán về chỉ số CPI cho tháng 3, sẽ được công bố vào tháng tới với mức tăng 8,41% so với cùng kỳ năm ngoái và PCE tháng 3 sẽ tăng 0,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự đoán đáng báo động nhất là mức lạm phát trong quý đầu tiên của năm 2022, mà họ ước tính sẽ cho thấy tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức 9%.

Nếu dự báo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland là đúng và lạm phát trong quý đầu tiên của năm 2022 là trên 9%, thì đó sẽ là mức lạm phát cao nhất trong 43 năm. Đây sẽ là động lực chính của vàng thời gian tới.

Nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng thị trường vàng sẽ tiếp tục biến động khi phản ứng với những tin thức xung quanh xung đột Nga với Ukraine. Bernard Dahdah, nhà phân tích kim loại quý tại Natixis cho rằng: “Để giá vàng tăng cao, chiến tranh cần phải leo thang và tôi không thấy điều đó xảy ra trừ khi Nga quyết định vũ khí hóa hàng hóa của mình và cắt nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu. Trong ngắn hạn, tôi thấy giá vàng sẽ giảm xuống, nhưng nó sẽ không sụp đổ".

Ông cho rằng, khi sự biến động của vàng dịu xuống, giá sẽ phục hồi trở lại mức 2.000 USD. Lãi suất đồng USD dù tăng song vẫn ở mức âm, sẽ là điều cốt lõi để vàng bảo toàn giá trị là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết