Thế giới chuyển mạnh sang sống chung với dịch Covid-19
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành ở một số nơi và chưa rõ khi nào kết thúc, nhưng thế giới đã bắt đầu chuyển mạnh sang sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.
Thời điểm kết thúc đại dịch đang đến gần
Trong những tuần gần đây, diễn biến dịch tại hầu hết các nước trên thế giới đều có chiều hướng cải thiện đáng kể về tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong. Điều đó cho thấy các công cụ phòng chống Covid-19 hiện nay, bao gồm vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng tránh đều đã phát huy hiệu quả, giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo bà Erica Charters - chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh), sự kết thúc của một đại dịch là quá trình lâu dài và có khả năng không thể chấm dứt hoàn toàn ở cùng một thời điểm. Những kịch bản kết thúc đại dịch bao gồm “kết thúc về mặt y tế” khi dịch bệnh suy giảm, “kết thúc về mặt chính trị” khi các chính phủ dỡ bỏ biện pháp phòng dịch và “kết thúc về mặt xã hội” khi mọi người thay đổi nhận thức về dịch bệnh. Nếu nhìn từ phân tích trên, thời điểm đó đang đến với đại dịch Covid-19 và thế giới đã nhanh chóng thích ứng. Bắt đầu từ tuần này, thẻ tiêm chủng và khẩu trang sẽ không còn bắt buộc ở những không gian kín tại Pháp, trừ một số trường hợp ngoại lệ như bệnh viện, cơ sở chăm sóc người tàn tật, viện dưỡng lão và trên các phương tiện giao thông đường dài như xe buýt liên tỉnh, tàu hỏa, máy bay.
Mở lại giao lưu, giao thương quốc tế được hy vọng sẽ giúp tăng lượng du khách đến Việt Nam |
Là một trong những nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế nghiêm ngặt nhất ở châu Âu vào thời kỳ đỉnh dịch Covid-19, giờ đây Anh trở thành quốc gia cởi mở hơn nhiều nước châu Âu khác và Mỹ. Từ ngày 18-3, du khách đến Anh sẽ không còn phải điền biểu mẫu thông tin định vị hành khách, những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ không phải thực hiện xét nghiệm trước và sau khi đến. Tại các nước châu Mỹ như Peru và Ecuador, nhà chức trách đã dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế. Ngày 14-3, Peru bắt đầu mở cửa lại trường học lần đầu tiên sau 2 năm đóng cửa do đại dịch. Theo Bộ Giáo dục Peru, khoảng 4,2 triệu học sinh trường công và 3 triệu học sinh trường tư thục sẽ đi học trở lại. Cùng ngày, 1,8 triệu học sinh từ 5-18 tuổi trên khắp Ecuador cũng chính thức trở lại trường học sau 2 năm phải học trực tuyến.
Trong số các ngành kinh tế thì du lịch - một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất sử dụng 10% lực lượng lao động, đóng góp 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - cũng nhanh chóng có điều chỉnh. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được, từ đầu năm 2022, hầu hết các khu vực đều thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế. Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa cho du khách quốc tế. Từ ngày 1-3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm đủ liều cơ bản (hoặc tiêm mũi tăng cường với những người đã tiêm quá 9 tháng). Người khỏi Covid-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Một loạt nước châu Âu đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy… tiếp tục nới lỏng quy định nhập cảnh, như bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Các nước châu Á cũng từng bước thí điểm khôi phục hoạt động ở quy mô nhỏ đối với từng điểm du lịch, tiến tới mở cửa hoàn toàn. Từ ngày 21-3, những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ và có đăng ký lịch sử tiêm chủng sẽ được miễn cách ly khi nhập cảnh Hàn Quốc. Campuchia từ cuối tháng 1-2022 đã phát động chiến dịch mang tên “Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn”, theo đó toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều được hoan nghênh đến nước này mà không cần cách ly. Thái Lan cũng đã nối lại chương trình “Test & Go”, cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
Việt Nam không chạy đua, nhưng không để chậm chân
Với Việt Nam, từ ngày 15-3, chúng ta đã chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế như trước khi có dịch Covid-19, nhưng kèm theo một số giải pháp với tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro và bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine Covid-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là chuẩn bị đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) vào tháng 5-2022, việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương đối cao. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Đây không phải là “chạy đua” sau khi một số nước có động thái tương tự trước đó, mà xuất phát từ thực tiễn hiện nay mục tiêu của Việt Nam đã chuyển sang kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả, theo hướng không vượt ngưỡng khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Đi vào cụ thể, Bộ Y tế đã có Công văn số 1265 về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam, theo hướng không có phân biệt giữa người nước ngoài và người trong nước. Khách nhập cảnh qua đường hàng không, trước khi lên máy bay đã phải có chứng nhận xét nghiệm, do đó khi nhập cảnh Việt Nam sẽ coi như người trong nước. Còn những người nhập cảnh theo đường thủy, đường bộ, đường sắt thì cần đáp ứng thêm một số quy định về phòng, chống dịch.
Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội cũng kịp thời có những điều chỉnh trong phòng chống dịch để thích ứng với tình hình mới. Chiều 15-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 735/UBND-KGVX gửi các cơ quan liên quan về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được hoạt động bình thường, không phải đóng cửa trước 21h hàng ngày, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5K” theo thứ tự ưu tiên là: Khẩu trang (đảm bảo 100% thực hiện); Khử khuẩn (vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, vệ sinh bề mặt thường xuyên...); Khai báo y tế; Khoảng cách; Không tụ tập đông người. Người dân khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...) không tham gia các hoạt động tại các địa điểm công cộng. Các hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang... vẫn cần hạn chế số người tham gia ở cùng một thời điểm.