A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, tổn thất càng lớn

Hy vọng dù mong manh song dư luận chung trên thế giới đều mong muốn Nga và Ukraine sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạo điều kiện cho đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình bởi xung đột vũ trang giữa hai bên càng kéo dài, lan rộng và leo thang thì cái giá phải trả càng đắt.

Lập trường nào của hai bên trong đàm phán?

Nga và Ukraine lại bắt đầu một vòng đàm phán mới từ trưa 14-3 theo giờ Mátxcơva (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam). Vòng đàm phán này diễn ra trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa hai bên không những tiếp diễn mà còn lan rộng khi Nga lần đầu kể từ khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24-2 vừa qua tiến hành không kích vào các thành phố, căn cứ quân sự nằm ở phía Tây Ukraine, có địa điểm chỉ cách biên giới Ba Lan - một thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) - khoảng hơn 100km.

Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, tổn thất càng lớn ảnh 1

Xung đột vũ trang tiếp diễn và leo thang đang khiến Nga - Ukraine phải chịu những tổn thất vô cùng lớn về cả sinh mạng, thiệt hại kinh tế lẫn vật chất

Cũng khác với 3 vòng đàm phán trước, vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ba vòng đàm phán trước cùng diễn ra trực tiếp tại tại Belarus, trong đó vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 28-2 vừa qua và kéo dài 5 giờ đồng hồ; vòng đàm phán thứ hai diễn ra ngày 3-3; vòng đàm phán thứ ba ngày 7-3.

Ngoài ra, ngày 10-3 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba bên lề một diễn đàn ngoại giao ở Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy không đạt được những kết quả như mong muốn, nhưng cả Nga và Ukraine cùng ghi nhận một vài tiến triển tích cực về vấn đề hành lang nhân đạo và bày tỏ sẵn sàng tiếp tục duy trì đàm phán.

Có những nhận định, đánh giá khác nhau về vòng đàm phán thứ tư diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa Nga và Ukraine. Trong tín hiệu tích cực ngay trước thềm vòng đàm phán thứ tư, giới chức Nga ngày 13-3 cho biết, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đang đạt được tiến triển. Ông Leonid Slutsky, một thành viên cấp cao trong đoàn đàm phán của Nga cho biết, nếu so sánh lập trường của cả hai phái đoàn hiện nay và những ngày đầu bắt đầu đàm phán, phía Nga nhận thấy có sự tiến triển đáng kể. Thành viên đoàn đàm phán Nga cũng bày tỏ kỳ vọng, những tiến triển này có thể phát triển hơn nữa trong vài ngày tới để “phái đoàn đàm phán hai nước có thể đạt được lập trường chung với các thỏa thuận sẽ được ký kết”.

Tương tự, phía Ukraine cũng đánh giá đối thoại với Nga “đang tiến triển tích cực” và Kiev cho rằng có thể sớm “đạt một số kết quả”. Phát biểu ngày 13-3, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky kiêm thành viên đoàn đàm phán của Ukraine cho biết, phía Nga đã “lắng nghe cẩn thận những đề xuất từ phía Ukraine” và “bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng”.

Thế nhưng, việc hai đoàn đàm phán Nga và Ukraine “lắng nghe cẩn thận” cùng “đối thoại mang tính xây dựng” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc hai bên đã tìm được tiếng nói chung hay quan điểm, lập trường đã xích lại gần nhau. Trong tất cả các tuyên bố chính thức đưa ra từ hai bên cho thấy còn sự khác biệt rất lớn, nếu không muốn nói là trái ngược, lập trường của Nga và Ukraine về những điểm cốt lõi là nguyên nhân xảy ra xung đột vũ trang hiện nay.

Phía Nga vẫn giữ lập trường mà họ cho là nguyên tắc kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine đó là đặt mục tiêu “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” tại nước này. Đồng thời Kiev phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có công nhận độc lập cho vùng ly khai ở Donbass và thừa nhận chủ quyền Nga tại bán đảo Crimea.

Trong khi đó, phía Ukraine khẳng định, sẵn sàng đàm phán nhưng không có ý định tuyên bố đầu hàng hay chấp thuận bất kỳ tối hậu thư nào do phía Nga đưa ra. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng giữ nguyên lập trường “chiến sự cần được chấm dứt ngay lập tức và Nga phải rút quân”.

Tổn thất ngày càng lớn cho cả hai phía

Có thể thấy, việc Nga và Ukraine có thể đạt được tiến triển thực chất hay bước ngoặt trong đàm phán để có thể chấm dứt xung đột vũ trang đang lan rộng lúc này là rất mong manh. Trong khi đó, xung đột vũ trang tiếp diễn và leo thang đang khiến cả hai bên phải trả những cái giá ngày càng đắt về cả tổn thất sinh mạng và thiệt hại kinh tế, vật chất.

Hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất là Ukraine, nơi Thủ đô Kive và nhiều thành phố lớn là “điểm nóng” chiến sự. Theo Người phát ngôn của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), kể từ khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, ước tính khoảng 2,5 triệu người đã phải sơ tán khỏi Ukraine, trong đó có 116.000 công dân của các nước thứ ba. Giới chức phụ trách phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng của châu Âu lo ngại cảnh báo, xung đột vũ trang tại Ukraine nếu tiếp tục diễn biến căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này với khoảng 7 triệu người Ukraine phải rời nhà cửa, quê hương đi lánh nạn. Và nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua.

Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Denys Kudin ngày 11-3 vừa qua cho biết, cuộc xung đột hiện nay đã gây thiệt hại lên tới 119 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng con số thiệt hại 119 tỷ USD này mới chỉ là “ước chừng”, bao gồm thiệt hại về đường sá, cầu, bệnh viện, thiết bị và các tài sản hữu hình khác. Ông Oleg Ustenko cho biết thêm, xung đột còn khiến 50% doanh nghiệp Ukraine phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi nửa còn lại hoạt động dưới công suất.

Phía Nga cũng đang phải chịu những thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 13-3 cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay chưa từng thấy với Mátxcơva, trong đó có loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay bãi bỏ quy chế tối huệ quốc… Trừng phạt kinh tế đã khiến đồng Rúp Nga đến nay đã mất giá tới 40%, giá cả hàng hóa khan hiếm và tăng vọt, gây khó khăn cho cuộc sống người dân.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận, “nền kinh tế Nga đang chịu cú sốc và có những hậu quả tiêu cực” và “đây là điều chưa từng có tiền lệ, chưa có cuộc chiến kinh tế nào nhằm vào Nga như vậy”. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, nền kinh tế nước này có thể giảm 8% vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Tổn thất lớn nhất mà Nga và Ukraine cùng đang phải gánh chịu trong xung đột vũ trang là sinh mạng con người. Hiện hai bên tham chiến đưa ra những số liệu khác nhau về thương vong của thường dân cũng như binh sĩ và chưa ai có thể kiểm chứng chính xác các con số này, nhưng dù con số nào thì những tổn thất sinh mạng này ngày càng lớn từ cả hai phía.

Xung đột vũ trang nếu càng kéo dài và leo thang, cái giá mà hai bên phải trả sẽ ngày càng đắt, tổn thất càng lớn. Vì thế, dư luận thế giới mong muốn và kêu gọi hai bên cùng kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tiến hành đàm phán để tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết