Những thành phố "không ô tô" ở châu Âu
Thành phố này đã cấm ô tô từ hàng thập kỷ trước khi hầu hết các đô thị ở châu Âu bắt đầu nghĩ đến việc nhường lại đường phố cho người đi bộ.
Hàng năm, hàng nghìn người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ ở các thành phố trên khắp châu Âu. Nhưng không ai trong số những trường hợp tử vong đó xảy ra ở Pontevedra.
Trong hai thập kỷ qua, ô tô là nguyên nhân gây ra không đến một chục ca tử vong ở thành phố có 85.000 dân, nằm ở phía tây bắc Tây Ban Nha này. Ca tử vong cuối cùng được ghi nhận xảy ra vào năm 2011, khi một cụ già 81 tuổi bị xe tải chở hàng tông phải.
Lý giải cho thành tích của Pontevedra rất đơn giản: Xe ô tô đã bị cấm vào hầu hết các nơi trong thành phố từ năm 1999.
"Chúng tôi quyết định thiết kế lại thành phố cho con người thay vì ô tô và chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành quả kể từ đó" - Thị trưởng Pontevedra, Miguel Anxo Fernández Lores cho biết. Ông đã giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử thị trưởng năm 1999 của Pontevedra với cam kết "đòi lại" đường phố.
Thị trưởng Lores nói: “Không những chúng tôi không có một ca tử vong nào trên đường bộ trong hơn một thập kỷ, mà ô nhiễm không khí đã giảm 67% và chất lượng cuộc sống chung trong thành phố cũng được cải thiện đáng kể”. Khoảng 15.000 người đã chuyển đến Pontevedra sinh sống kể từ khi thành phố cấm ô tô.
Trong nỗ lực tìm cách đáp ứng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, nhiều thành phố trên thế giới đang xem xét hoặc đã thực hiện các biện pháp loại bỏ ô tô như một giải pháp vừa để cắt giảm lượng khí thải, vừa bảo vệ người dân khỏi ô nhiễm.
Trong thời kỳ đại dịch, các thành phố như London, Paris và Brussels đã xây dựng mạng lưới mới đường dành cho xe đạp và tạo thêm không gian cho người đi bộ. Từ năm 2019 đến 2022, số lượng các khu vực phát thải khí nhà kính thấp - tức hạn chế khả năng tiếp cận với một số loại hình giao thông gây ô nhiễm - ở các thành phố châu Âu đã tăng 40%. Vào năm 2020, hơn 960 thành phố của Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia Ngày quốc tế “Không ô tô”, sau đó là hàng chục chính sách cấm ô tô vào các trung tâm thành phố mỗi tháng một lần.
Tuy nhiên, ở phần lớn những nơi này, ô tô đã ăn sâu vào đời sống thành phố, thậm chí ở nhiều nơi, kể cả Brussels, những khu vực rộng lớn của thành phố được thiết kế đặc biệt cho ô tô.
Thay đổi kiểu quy hoạch đô thị đó là một thách thức, nhưng ông Fernández Lores khẳng định rằng đó không phải là một ý tưởng tranh cử thất bại.
Ông Fernández Lores, một thành viên của đảng cánh tả Bloque Nacionalista Galego ở Tây Ban Nha, người đã tái đắc cử thị trưởng lần thứ sáu vào năm 2019, cho rằng: “Việc áp dụng những biện pháp này ban đầu đòi hỏi sự can đảm chính trị"
Là điểm dừng chân trên con đường hành hương Way of Saint James nằm giữa thành phố cảng Vigo và thủ phủ Santiago của vùng, Pontevedra luôn là một trung tâm thương mại sầm uất ở tây bắc Tây Ban Nha.
Vào cuối những năm 1990, trung bình mỗi ngày có khoảng 80.000 xe ô tô chạy qua trung tâm thành phố. Nơi đây ghi nhận trung bình 140 vụ tai nạn đường bộ với thương tích nghiêm trọng mỗi năm.
"Thành phố này giống như một nhà kho khổng lồ cho ô tô, xe cá nhân lấp đầy không gian công cộng, gây ra tiếng ồn và khí thải, ngăn cản người dân của chúng tôi - đặc biệt là trẻ em và người già - có quyền tự chủ thực sự ở nơi họ sống" – ông Fernández Lores nói.
Những thay đổi mà ông đưa ra đã biến đổi Pontevedra. Khu trung tâm lịch sử rộng 30.000 mét vuông của thành phố được dành cho người đi bộ và tất cả các bãi đậu xe trên đường phố bị loại bỏ. Giao thông được chuyển hướng để tránh hoàn toàn khu trung tâm và những người đi làm vào thành phố được chuyển hướng đến các bãi đỗ xe nằm ở vùng ngoại vi.
Mặc dù ô tô vẫn có thể vào trung tâm để trả khách hoặc đón khách nhưng phải tuân thủ giới hạn tốc độ 30 km / giờ và giới hạn về khoảng thời gian tạm dừng.
Thị trưởng Lores nhớ lại phải mất nhiều thời gian để người dân địa phương chấp nhận thay đổi. "Việc lo sợ những thay đổi là điều bình thường, đặc biệt là trong hai năm đầu tiên của một dự án, khi quá trình chuyển đổi vẫn đang được tiến hành và mọi người không thể nhìn thấy hết những lợi ích cuối cùng."
Cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng bị chia rẽ về kế hoạch này, một số người lo ngại việc chặn lối vào dành cho ô tô sẽ không khuyến khích khách hàng mua sắm trong thành phố.
Fernández Lores cho biết ông đã tìm đến tỷ phú Amancio Ortega, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara. Ông nói: “Tôi nhắc họ rằng các cửa hàng Zara thường nằm trên các phố mua sắm dành cho người đi bộ, không phải đường vành đai 4 làn. Nhiều người phản đối đã xem xét lại quan điểm khi tôi hỏi liệu họ có hiểu về kinh doanh hơn Amancio Ortega hay không".
Tâm lý phản đối ban đầu biến mất sau khi các cửa hàng địa phương chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng lên nhờ đông đảo người đi bộ. "Thay vì lái xe ra các trung tâm mua sắm ở vùng ven, mọi người mua sắm ở trung tâm thành phố: Thành phố là trung tâm mua sắm của chúng tôi."
Fernández Lores khẳng định rằng ông không chống ô tô, nhưng các phương tiện cơ giới phần lớn tới từ các thành phố bên ngoài. Thay vào đó, ông ủng hộ các chính sách đô thị ưu tiên cuộc sống địa phương hơn, việc đi lại có thể được thực hiện bằng đi bộ hoặc bằng xe đạp. “Thành phố không nên được xem như một con đường, mà là một không gian để cùng tồn tại".
Hơn hai thập kỷ sau khi Pontnticra loại bỏ ô tô, các thành phố trên khắp khu vực đang bắt đầu thực hiện những biện pháp tương tự.
Thành phố Brussels nổi tiếng về kẹt xe cũng nằm trong số những nơi có kế hoạch thay đổi mạnh mẽ. Một kế hoạch di chuyển mới, được đặt tên là Good Move, nhằm mục đích giảm lưu lượng ô tô tổng thể xuống 24% vào cuối thập kỷ này.
Brussels áp dụng nhiều biện pháp tương tự được thực hiện ở Pontevedra: Giao thông sẽ được chuyển hướng vào đường vành đai nhỏ; ở một số khu vực của thành phố chỉ cho phép cư dân sở tại ra vào bằng phương tiện cơ giới; và sẽ giảm số lượng điểm đậu xe trong thành phố.