Nguy cơ nợ gia tăng đối với các quốc gia thu nhập thấp
Ngày 23-4, các chủ tọa của Hội nghị bàn tròn nợ công toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết cần có thêm nhiều nỗ lực để cải thiện quy trình tái cấu trúc nợ công và giúp các quốc gia đang đối mặt với thách thức trong việc trả nợ.
Hội nghị bàn tròn này ra mắt vào cuối năm 2022 nhằm thúc đẩy tiến trình xử lý nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn. Năm nay, hội nghị do IMF, WB và Nam Phi - hiện là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - đồng chủ trì. Thành phần tham gia có các chủ nợ, các quốc gia vay nợ, các giám đốc điều hành khu vực tư nhân, chuyên gia về nợ, cũng như các cố vấn tài chính và pháp lý.
Tại hội nghị, các đồng chủ tọa đã chỉ ra một số tiến bộ trong quá trình tái cấu trúc nợ, bao gồm việc làm rõ rằng các quốc gia vay nợ đang tái cấu trúc nhưng chưa phát sinh nợ quá hạn với các chủ nợ chính thức có thể yêu cầu hoãn thanh toán nợ. Hội nghị đã công bố một hướng dẫn mới nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực xử lý nợ của các quốc gia.
![]() |
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Giám đốc chiến lược của IMF Ceyla Pazarbasioglu cho biết nguy cơ bất ổn nợ công ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển đang được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, bất ổn đã gia tăng nhiều do căng thẳng thương mại leo thang. Bà Pazarbasioglu nói rõ cần phải giải quyết ngay gánh nặng trả nợ lớn mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, một tình huống mà bà cho rằng đang trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.
Theo thông báo ngày 23-4 của IMF, áp lực kinh tế từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ đẩy nợ công toàn cầu vượt mức thời kỳ Covid-19, lên gần 100% GDP toàn cầu vào cuối thập kỷ này do tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại làm tiêu hao ngân sách chính phủ. Nợ công của các quốc gia thu nhập thấp và các thị trường mới nổi hiện đã bằng mức trước đại dịch Covid-19 và tiếp tục tăng lên, nhưng về trung hạn có thể sẽ giảm nhẹ hoặc duy trì ổn định. Tuy nhiên, một số quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương và đang đối mặt với thách thức phải trả nợ lớn ở mức chi phí lãi suất cao, khiến không còn nguồn lực cho giáo dục, y tế và đầu tư cơ sở hạ tầng.
TTXVN