A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác quốc phòng Australia - Nhật Bản

Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Ngoại trưởng nước này Penny Wong đã nhấn mạnh như vậy trong một thông cáo báo chí chung ngày 14-8.

Thông cáo nêu rõ, Australia và Nhật Bản đang củng cố quan hệ quốc phòng song phương với việc RAA chính thức có hiệu lực từ ngày 13-8. Thông cáo khẳng định RAA là “thỏa thuận đầu tiên về các lực lượng thăm viếng mà Nhật Bản ký với bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ”. Kết quả thực chất mà RAA có thể đem lại chính là sự gia tăng các hoạt động huấn luyện và tập trận chung giữa hai bên. Trong số này phải kể đến việc các máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên được triển khai tới Australia, cụ thể là căn cứ Tindal của không quân Australia vào cuối tháng 8 này, trong khi các máy bay chiến đấu F-35 của Australia sẽ lần đầu tiên được triển khai tới Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận Bushido Guardian vào đầu tháng 9-2023. Australia cũng sẽ lần đầu tiên “tham gia đầy đủ” cuộc tập trận Yama Sakura vào tháng 12 năm nay với việc cử 150 binh sĩ tới Nhật Bản.

(Từ trái sang) Ngoại trưởng Penny Wong, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu trong cuộc họp báo chung tại Tokyo, tháng 12-2022. Ảnh: AAP 

Theo Sputnik, RAA tạo khuôn khổ pháp lý cho phép các lực lượng thuộc ADF và JSDF thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau với mục đích huấn luyện hoặc tập trận chung. Ngoài ra, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho ADF và JSDF triển khai lực lượng nhanh hơn, giảm bớt những hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí cùng trang thiết bị cho các cuộc tập trận chung hoặc cứu trợ thảm họa giữa hai nước.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles nêu rõ cả Australia và Nhật Bản đều nhận thấy rằng trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng trở nên phức tạp, cần phải phát triển mối quan hệ đối tác nhằm góp phần duy trì ổn định và thịnh vượng trong khu vực. RAA sẽ làm sâu sắc quan hệ quốc phòng giữa Australia và Nhật Bản, hỗ trợ tăng cường năng lực của cả ADF lẫn JSDF. Trong khi đó, Ngoại trưởng Wong nhấn mạnh cả Canberra lẫn Tokyo đều chia sẻ mong muốn về một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng. “Quan hệ quốc phòng-an ninh giữa Australia và Nhật Bản rất quan trọng với cả hai nước, dựa trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của chúng ta”, Ngoại trưởng Wong khẳng định.

Tờ The Japan Times cho biết, các cuộc đàm phán về RAA giữa Australia và Nhật Bản bắt đầu từ năm 2014. Đến năm 2020, hai bên đạt được “đồng thuận về nguyên tắc”. Tới đầu tháng 1 năm ngoái, lãnh đạo Nhật Bản và Australia đã ký RAA. “RAA là hiệp ước quốc phòng chính thức thứ hai của Nhật Bản với một quốc gia khác, xác nhận vị trí của Australia như là đối tác an ninh quan trọng thứ hai sau Mỹ-đồng minh duy nhất của Nhật Bản”, tờ The Japan Times nhận định.

Theo tờ The Japan Times, ngoài Australia, Nhật Bản đã ký RAA với Anh vào đầu năm nay nhưng thỏa thuận chưa thể được triển khai do phía London chưa hoàn tất các thủ tục nội bộ. Thông qua các thỏa thuận này, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và các quốc gia “cùng chung chí hướng”. Trong Sách trắng Quốc phòng 2023, Nhật Bản cũng khẳng định chủ trương thúc đẩy hợp tác với các quốc gia “cùng chung chí hướng” và các quốc gia khác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng “nhiều mặt”, từ trao đổi đoàn, huấn luyện và diễn tập song phương/đa phương, xây dựng năng lực cho đến những lĩnh vực khác, không chỉ riêng với Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác tại châu Á, châu Phi và châu Âu “nhằm thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia nhất có thể”.


Tags: Australia
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết