A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đề xuất chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản cao kỷ lục

Trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2024 (bắt đầu từ tháng 4-2024), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị hơn 7 nghìn tỷ yen (49 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng. Nếu được thông qua, đây sẽ là khoản chi tiêu quốc phòng lớn nhất của nước này từ trước đến nay.

Kyodo News ngày 8-8 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, động thái này phù hợp với Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi của Nhật Bản nhằm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm. Sự gia tăng chi tiêu này phản ánh nỗ lực của Tokyo trong giải quyết các thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nguồn tin cũng cho hay, trong đề xuất chi tiêu quốc phòng có khoản chi cho việc trang bị tên lửa tầm xa tự chế nhằm tăng cường khả năng phản công của Nhật Bản trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Tokyo đặt mục tiêu mở rộng tầm bắn của tên lửa dẫn đường đất đối hạm Type-12 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản lên 1.000km so với 100km ở hiện tại, đồng thời phát triển vũ khí lượn tốc độ cao để bảo vệ các quần đảo xa xôi ở phía Tây Nam nước này.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ dành ngân sách cho việc đóng hai tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis do Mỹ phát triển. Theo dự kiến, các tàu khu trục này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2028 như một giải pháp thay thế cho kế hoạch triển khai hai khẩu đội phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền ở Nhật Bản vốn đã bị hủy bỏ.

Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sau cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, Anh và Australia ở Funabashi (Nhật Bản), ngày 8-1. Ảnh: AFP 

Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã duy trì ngân sách quốc phòng hằng năm bằng khoảng 1% GDP. Con số này thấp hơn mức chuẩn 2% của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí còn thấp hơn so với các đối tác trong khu vực như Hàn Quốc, Ấn Độ-những quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng trung bình khoảng 2,5% GDP trong cùng thời kỳ. 

Nhiều thập kỷ chi tiêu thấp đã khiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có cơ sở hạ tầng vật chất cũ kỹ, dự trữ đạn dược thấp, năng lực tiếp nhiên liệu, đổ bộ đường biển và không vận kém, cũng như lực lượng nhân sự quá mỏng do các vấn đề tuyển dụng và đãi ngộ. Giới phân tích quân sự nhận định, Tokyo cũng cần đầu tư mạnh mẽ để nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng và đặc biệt, đầu tư xây dựng và tái cấu trúc các cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước để thúc đẩy năng lực sản xuất và xuất khẩu vũ khí của quốc gia này.

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã công bố 3 văn kiện quan trọng về quốc phòng gồm: Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi, Chiến lược quốc phòng và Kế hoạch xây dựng quốc phòng. Trong Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi, quyết định tăng cường khả năng phản công của Nhật Bản đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến theo Hiến pháp của quốc gia này vốn chỉ tập trung vào phòng vệ.

Cùng với đó, Tokyo vạch ra lộ trình tăng ngân sách quốc phòng hằng năm đạt mức 2% GDP vào năm 2027-một con số có thể đưa quốc gia Đông Bắc Á này đứng vào top 3 nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới. Dường như lộ trình đó đang nỗ lực được triển khai, bởi nếu như trong năm tài khóa 2022, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản mới đạt 5,4 nghìn tỷ yen, thì con số này đã tăng lên 6,8 nghìn tỷ yen trong năm 2023 và dự kiến hơn 7 nghìn tỷ yen trong năm 2024.   

Trong một diễn biến khác, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin, Thỏa thuận tiếp cận đối ứng-một thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Australia sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13-8, trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia tiến hành tổ chức các cuộc tập trận chung tại mỗi nước.

Thỏa thuận bao gồm các vấn đề như xử lý vũ khí đạn dược và quyền tài phán trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc tai nạn. Đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này của Nhật Bản có hiệu lực, ngoài một thỏa thuận về tình trạng lực lượng mà Tokyo đã ký với Washington từ trước đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố việc Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Nhật Bản-Australia được đưa vào thực thi cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia, đồng thời kỳ vọng thỏa thuận này là nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh song phương, giúp bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết