A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bạo lực súng đạn: “Căn bệnh nan y” ở Mỹ

Dữ liệu mới nhất từ​​ trang lưu trữ trực tuyến chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ có tên Gun Violence Archive, cho thấy năm 2023, tại Mỹ đã xảy ra 430 vụ xả súng hàng loạt, khiến khoảng 26.000 người thiệt mạng (tính đến ngày 8-8). Nước Mỹ có hơn 400 triệu khẩu súng và bạo lực liên quan đến súng đã trở thành “chuyện bình thường” ở nước này.

Số vụ xả súng cao nhất trong vòng 10 năm

Trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ xả súng ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Quyền giám đốc Sở Cảnh sát Washington Pamela Smith cho biết, vào khoảng 1 giờ sáng ngày 5-8 (giờ địa phương), tại khu Tây Bắc của Washington đã xảy ra một vụ nổ súng. Sau khi cảnh sát đến hiện trường, họ phát hiện 3 người đàn ông đã bị bắn, trong đó 2 người tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng. Cũng tối hôm đó, một vụ nổ súng đã xảy ra ở khu Đông Nam của Washington, khiến 3 người thiệt mạng và 2 người phải nhập viện điều trị. Tờ Washington Post đưa tin, vào khoảng 5 giờ sáng ngày 5-8, lại xảy ra một vụ nổ súng khác ở khu Tây Bắc của Washington khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ.  

Theo CNN, dữ liệu từ Gun Violence Archive cho thấy tính đến ngày 8-8, năm 2023, tại Mỹ đã xảy ra 430 vụ xả súng hàng loạt (khiến hơn 4 người thương vong, không kể hung thủ), với trung bình gần hai vụ mỗi ngày. Nếu xu hướng này tiếp diễn, năm 2023 có thể là năm tồi tệ nhất về các vụ xả súng ở Mỹ trong 10 năm qua. Số liệu từ trang Gun Violence Archives cũng cho thấy tháng 7 là tháng bạo lực súng đạn đặc biệt nghiêm trọng tại Mỹ, nhiều nhất là vào dịp lễ Ngày Độc lập 4-7, tổng cộng đã xảy ra 22 vụ xả súng hàng loạt, làm 22 người chết và 126 người bị thương.  

Trước thực trạng đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy phải thốt lên rằng, chỉ ở Mỹ, người ta mới có thể tuỳ ý sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt như vậy. Chỉ ở Mỹ, người ta mới sùng bái bạo lực đến vậy, khiến những vụ xả súng hàng loạt liên tục diễn ra.

Bạo lực súng đạn làm xói mòn niềm tin xã hội

Mỹ là quốc gia có số dân thường sở hữu súng nhiều nhất thế giới, số lượng súng nhiều hơn cả dân số, cứ 100 người thì có khoảng 120 khẩu súng. Bạo lực súng đạn đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Nhà văn Mỹ Janice Ellis bình luận, ở Mỹ, dù là ở cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm hay trường học, người ta đều có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn. Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực súng đạn.

Những năm gần đây, số vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ liên tục tăng. Ảnh minh họa: Vox

Động cơ xả súng cũng rất đa dạng: Thù hận, bệnh tâm thần, băng đảng trả thù, mâu thuẫn gia đình v.v... thậm chí cãi vã trong nhà hàng đồ ăn nhanh hay tức giận khi bị vượt xe đều có thể dẫn đến xả súng. Kaiser Family Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, công bố một báo cáo cho biết hơn một nửa số người Mỹ trưởng thành được khảo sát cho biết họ hoặc người thân từng một lần gặp phải vụ việc liên quan đến súng. So với người da trắng, con số này ở những người da màu như người Mỹ gốc Phi còn cao hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tỷ lệ sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học Boston cho thấy cứ mỗi điểm phần trăm gia tăng sở hữu súng trong gia đình, thì tỷ lệ mưu sát bằng súng ở Mỹ tăng 0,9%. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ tiếp tục gia tăng, việc cắt giảm nhân viên, doanh nghiệp đóng cửa, kinh tế suy thoái… dẫn đến xã hội ngày càng phân hóa, kéo theo tâm lý cực đoan. Bạo lực súng đạn gia tăng cũng khiến nhiều người muốn sở hữu súng để tự vệ.

Theo Vox News, "tự vệ" đã trở thành lý do quan trọng nhất để người Mỹ sở hữu súng, nhiều hơn cả lý do săn bắn, giải trí, sưu tập, công việc. Tờ The Hill đưa tin, từ năm 2020 đến năm 2022, người Mỹ mua gần 60 triệu khẩu súng, khoảng 1/5 số hộ gia đình Mỹ đã mua súng và doanh số bán súng hàng năm cao gấp đôi so với 15 hoặc 20 năm trước. Tự do sở hữu súng đã thúc đẩy bạo lực xã hội, ngược lại, bạo lực thúc đẩy việc sản xuất và mua bán súng.

Mâu thuẫn lưỡng đảng về quan điểm kiểm soát súng  

Sau vụ xả súng xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở ngoại ô thành phố Dallas, bang Texas, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng (cả hung thủ) và 7 người khác bị thương, hôm 6-5 vừa qua, Nhà Trắng đã hối thúc các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội ủng hộ dự luật cấm các loại vũ khí tấn công và băng đạn dung lượng lớn.  

Tuy nhiên, một thành viên Đảng Cộng hòa, Thống đốc Texas Greg Abbott, cho biết Texas sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng súng vì “điều này là vô ích”. Ông cho rằng dù ở bang "đỏ" (ủng hộ Đảng Cộng hòa) với các quy định lỏng lẻo, hay ở bang "xanh" (ủng hộ Đảng Dân chủ) chủ trương kiểm soát súng, thì các vụ xả súng đều gia tăng. "Nguyên nhân căn bản bắt nguồn từ sức khỏe tâm thần của người mua súng", ông Greg Abbott nói.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, do sự phân cực của đảng phái và sự cản trở của các nhóm lợi ích, quá trình lập pháp nhằm tăng cường giám sát súng và kiềm chế bạo lực súng đạn đang gặp khó khăn. Việc thường xuyên xảy ra các vụ xả súng hàng loạt cho thấy sự thiếu hành động của các nhà lập pháp liên bang và tiểu bang. Daniel Webster, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Phòng chống bạo lực súng của Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, nói rằng điều đó trái ngược với mong đợi của các nhà lập pháp. Nhiều lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở cấp bang đang khiến việc sở hữu súng trở nên dễ dàng hơn. Theo AP, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thậm chí còn thúc đẩy luật mở rộng quyền sở hữu và mang súng. Tính đến tháng 7-2023, 27 bang không yêu cầu giấy phép mang súng ngắn, tăng 11 bang so với năm 2020.

Trước thực trạng đó, mạng VOX News bình luận rằng vấn đề súng đạn đã ăn sâu vào chính trị, văn hóa và luật pháp Mỹ, và "tiến trình chính trị ở Mỹ cũng đã chứng tỏ không thể thay đổi thực tế này".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết