A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Indonesia ứng phó ô nhiễm rác thải nhựa trên biển

“Rất khó để cứu sống những con rùa đã ăn phải nhiều đồ nhựa vì chúng bị tắc ruột và suy kiệt”, Tân Hoa xã mới đây dẫn lời bà Dwi Suprapti, thành viên của IAM Flying Vet-một hiệp hội bảo vệ động vật biển của Indonesia.

Bà Suprapti cho biết, nhiều khả năng những con rùa này đã vô tình ăn phải rác thải nhựa vì nhầm tưởng là thức ăn. Rác thải nhựa có thể hấp dẫn các loài động vật biển, nhất là rùa, vì có hình dạng giống như loài sứa và có mùi tanh giống rong rêu do đã trôi nổi dưới biển trong một thời gian dài. Theo Tân Hoa xã, IAM Flying Vet thường xuyên phát hiện nhiều loài động vật biển lớn bị mắc cạn do trong cơ thể chứa nhiều rác thải nhựa. Hồi năm 2020, bà Suprapti cùng các đồng nghiệp đã điều trị thành công cho một con rùa xanh bị trôi dạt vào bờ biển ở đảo Bali trong tình trạng sức khỏe yếu.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy có nhiều dị vật trong ruột của con rùa. 70 đồ vật bằng nhựa, trong đó có nhiều đồ vật còn nguyên vẹn, đã được lấy ra khỏi ruột của con rùa này. “Đây là một trong số ít con rùa mà chúng tôi đã cứu được. Chúng tôi đã thả nó trở lại biển”, bà Suprapti chia sẻ.

Rác thải ở bờ biển thành phố North Jakarta của Indonesia. Ảnh: Tân Hoa xã 

Dữ liệu của Chính phủ Indonesia cho thấy, mỗi năm, quốc gia vạn đảo tạo ra gần 20 triệu tấn rác thải với khoảng 18% trong số này là rác thải nhựa. Trong giai đoạn 2018-2022, Indonesia đã giảm hơn 200.000 tấn rác thải nhựa ra biển. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 70% lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Theo người đứng đầu cơ quan phòng, chống ô nhiễm thuộc Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MMAF) Hendi Koeshandoko, các dòng hải lưu đưa rác thải nhựa từ Indonesia đến các quốc gia khác và ngược lại. MMAF hiện đang soạn thảo quy định yêu cầu mỗi tàu cá phải mang theo một túi đựng rác khi ra khơi và không vứt rác xuống biển.

“Cùng với đó, cần phải có biện pháp quản lý toàn diện để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Indonesia, từ sản xuất, vận chuyển cho đến thay đổi thói quen của người dân và giảm sử dụng nhựa dùng một lần. Ứng dụng công nghệ để biến rác thải thành năng lượng cũng là một phần của giải pháp”, Tân Hoa xã dẫn lời Rosa Vivien Ratnawati, người đứng đầu cơ quan quản lý rác thải thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia.


Tags: Indonesia
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết