A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Để không có “bản cáo trạng di cư của thế giới”

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư trên thế giới, đẩy dòng người di cư trên toàn cầu lên con số kỷ lục từ trước tới nay, chạm mốc 110 triệu người, khiến tổ chức Liên hợp quốc coi sự bủng nổ làn sóng di dư này là một “bản cáo trạng của thế giới”.

Người di cư chạm mốc “kỷ lục buồn”

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trong báo cáo thường niên “Xu hướng toàn cầu về di dời cưỡng bức” công bố ngày 14-6 cho biết, xung đột quân sự Nga - Ukraine, dòng người tị nạn chạy trốn khỏi quốc gia Nam Á Afghanistan và cuộc chiến ở quốc gia châu Phi Sudan đã đẩy tổng số người tị nạn buộc phải tìm nơi trú ẩn ở nước ngoài cũng như phải sơ tán trong nước tại những quốc gia này lên một mức cao chưa từng có. Cuộc xung đột bùng phát mới nhất ở Sudan vào trung tuần tháng 4 vừa qua đã buộc hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nâng tổng số người phải đi sơ tán trên toàn cầu ước tính tăng lên tới 110 triệu người vào tháng 5-2023.

Trước đó, theo UNHCR, vào cuối năm 2022 đã có 108,4 triệu người buộc phải di dời khỏi nơi ở đi nơi khác, tăng thêm 19,1 triệu người so với số liệu tính tới cuối năm 2021. Đây cũng là mức tăng lớn nhất và con số kỷ lục về người di cư từ trước đến nay kể từ khi số liệu về người di dời cưỡng bức được UNHCR bắt đầu thống kê vào năm 1975. Trước đây, khu vực châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ là những điểm nóng di cư cưỡng bức toàn cầu, chủ yếu do nghèo đói, thiên tai và xung đột. Tuy nhiên, thời gian qua nổi lên một số điểm nóng mới, trong đó nghiêm trọng nhất là dòng người di cư khỏi những khu vực diễn ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo UNHCR, tới nay đã có khoảng 5,7 triệu người tị nạn Ukraine, bên cạnh đó là con số lớn người Nga khác phải di dời khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022 đã gây ra dòng người tị nạn nhanh nhất trên thế giới kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay. Gần đây nhất là làn sóng người tị nạn tại quốc gia châu Phi Sudan. Ước tính đã có khoảng 467.000 người phải rời khỏi đất nước này kể từ khi giao tranh giữa các bên tham chiến nổ ra vào giữa tháng 4, chưa kể con số hơn 1,4 triệu người khác đã phải di dời cưỡng bức trong nước. Điểm nóng xung đột Syria ở Trung Đông tiếp tục ghi nhận là quốc gia có số người di dời nhiều bậc nhất trên thế giới. Đã có khoảng 6,5 triệu người tị nạn Syria tính tới cuối năm 2022, trong đó 3,5 triệu người di cư đến quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo UNHCR, trong tổng số người phải sơ tán trên toàn cầu trong năm 2022, có 35,3 triệu người tị nạn chạy ra nước ngoài và 62,5 triệu người khác đã phải sơ tán ngay trong nước. Khoảng 76% người tị nạn chạy sang các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi 70% ở lại các nước láng giềng. Cũng theo tổ chức này, có 5,4 triệu người xin tị nạn và hơn 5,2 triệu người khác, cần được quốc tế bảo vệ. Ông Filippo Grandi, Cao ủy UNHCR, lo ngại cho rằng, những con số này có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Lên tiếng trong buổi công bố báo cáo thường niên “Xu hướng toàn cầu về di dời cưỡng bức” tại trụ sở ở Geneve (Thụy Sỹ), người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho biết, thế giới có 110 triệu người đã phải bỏ trốn vì xung đột, đàn áp, phân biệt đối xử và bạo lực, thường được trộn lẫn với các động cơ khác, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. “Đó là một bản cáo trạng đối với thực trạng của thế giới chúng ta” - ông Filippo Grandi nhấn mạnh.

Làn sóng di cư cưỡng bức càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc rủi ro mà những người di cư phải đối mặt càng nghiêm trọng. Ngày 13-6, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố báo cáo cho thấy, gần 3.800 người đã thiệt mạng trên các tuyến đường mà người di cư sử dụng ở trong và đi từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) trong năm 2022, cao nhất kể từ năm 2017.

Cụ thể, năm qua có 3.789 người di cư đã thiệt mạng trên các tuyến đường biển và đường bộ ở khu vực MENA. Con số này, tăng 11% so với năm 2021 và cao nhất kể từ năm 2017 với 4.255 người di cư thiệt mạng được ghi nhận, được cho là còn cao hơn nhiều trên thực tế do ít có dữ liệu chính thức và các tổ chức quốc tế hạn chế được tiếp cận các tuyến đường của người di cư. Khu vực này chiếm hơn 50% trong tổng số 6.877 người di cư thiệt mạng trên toàn thế giới.

Cấp bách giải quyết vấn đề di cư toàn cầu

Tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nghèo đói, thiên tai và đặc biệt là bạo lực, xung đột vũ trang là nguyên nhân khiến làn sóng di cư trái phép ngày càng gia tăng khắp nơi trên thế giới. Thực tế đã chứng minh rằng, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư không thể đến từ những biện pháp ngăn chặn tại “phần ngọn” như: “đóng cửa biên giới”, dựng lên các hàng rào dây thép gai sắc nhọn hay bức tường bêtông kiên cố… mà phải đến từ các chính sách toàn diện, xử lý gốc rễ nguyên nhân của làn sóng di cư. Cuộc khủng hoảng di cư được dự báo trên thế giới được cho sẽ còn kéo dài và cần nhiều nguồn lực cùng sự phối hợp, thống nhất hành động của cộng đồng quốc tế.

Theo Liên hợp quốc, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn một lượng lớn người dân di cư. Tuy nhiên, tình trạng thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng ngũ cốc, phân bón đang đẩy hàng trăm triệu người đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực. Và điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng di cư toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo nếu không sớm giải quyết vấn đề này, hậu quả sẽ vô cùng tồi tệ. Báo cáo của UNHCR cho biết, trong 2 thập niên trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Syria năm 2011, số người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu ổn định ở mức khoảng 40 triệu người. Tuy nhiên, con số này tiếp tục tăng hằng năm và hiện đã tăng lên gần gấp 3 lần.

Giải quyết vấn đề di cư trên thế giới là một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu, nhất là khi con số người di cư liên tiếp phá hết “kỷ lục buồn” này tới “kỷ lục buồn” khác. Song giải pháp căn cơ lại mang lại mang tính lâu dài với sự tham gia của mỗi quốc gia, cả cộng đồng quốc tế để xử lý các nguyên nhân gốc rễ.

Trước mắt, vấn đề ưu tiên số một là bảo vệ những người buộc phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh, các giải pháp cho vấn đề này ngày càng khó hình dung, thậm chí khó có thể đặt lên bàn thảo luận bởi “chúng ta đang ở trong thế giới rất phân cực, nơi căng thẳng quốc tế đang cản trở các hoạt động nhân đạo”. Theo UNHCR, để bảo vệ người di cư, đòi hỏi các quốc gia phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước 1951 về quy chế người tị nạn.

UNHCR đánh giá cao những nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiểm các giải pháp giảm bớt mức độ trầm trọng của vấn đề di cư. Người đứng đầu tổ chức này bày tỏ sự lạc quan về một số diễn biến mới, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận mà các Bộ trưởng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi tuần trước về chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư và tị nạn mà theo đó các quốc gia thành viên hoặc chấp nhận chia sẻ số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư. Ông Filippo Grandi cũng đánh giá cao hành động của Kenya, quốc gia châu Phi, đang tìm kiếm các giải pháp mới cho 500.000 người tị nạn mà nước này tiếp nhận, trong đó có nhiều người đã chạy trốn đói nghèo và hạn hán ở vùng Sừng châu Phi. Những nỗ lực như giúp vấn đề di dời cưỡng bức không trở thành “bản cáo trạng của thế giới”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết