A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chuyến thăm chiến lược trong quan hệ Mỹ - Ấn

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức năm 2014. Đây là chuyến thăm rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thương mại và công nghệ song phương Mỹ-Ấn.

Theo CNBC, Thủ tướng Modi là nhà lãnh đạo thứ 3 trên thế giới có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Lời mời đặc biệt này phản ánh sức mạnh và sức sống của mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

Trong thập kỷ qua, quan hệ giữa hai quốc gia đã được cải thiện đáng kể. “Chuyến thăm tượng trưng cho cam kết bền vững nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương và cho thấy tiềm năng to lớn của cả hai nước trong việc hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu”, Farwa Aamer, Giám đốc chương trình Nam Á tại Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được chào đón tại New York, Mỹ ngày 20-6. Ảnh: AP

Trong bối cảnh vai trò quốc tế của Ấn Độ đang ngày càng được khẳng định với tư cách là quốc gia đông dân nhất thế giới, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và cường quốc về công nghệ và đổi mới, chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng có thể coi Ấn Độ là một đồng minh, một nhân tố quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các cuộc hội đàm, trao đổi giữa hai bên dự kiến sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng, quan hệ đối tác về công nghệ và vai trò của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đang tiến gần hơn đến việc mua những máy bay không người lái được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất trị giá từ 2 đến 3 tỷ USD nhằm tăng cường giám sát biên giới và cải thiện các hoạt động tình báo chống khủng bố. Chính quyền Mỹ tin rằng đây là một lộ trình tham vọng cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, viễn thông thế hệ tiếp theo, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng. Bên cạnh đó, phía Ấn Độ cũng hy vọng các công ty tư nhân của Mỹ sẽ có thể mở rộng đầu tư vào Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước nhất trí hợp tác sản xuất động cơ máy bay chiến đấu tại Ấn Độ.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ nêu rõ, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ rất đa dạng, với sự cam kết ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, quốc phòng và an ninh. Sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi bổ sung các khía cạnh mới và mở rộng hợp tác song phương sang cả lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không gian, viễn thông, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực công nghệ sinh học. Ngoài ra, hiện hai nước đang hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm. 

New Delhi đang nổi lên như một đối tác quốc phòng chiến lược của Washington, đặc biệt là khi nước này muốn gia tăng tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quốc gia Nam Á cũng đang tìm kiếm sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí tài quân sự của Nga, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine bước sang năm thứ hai.

Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi đã bắt đầu tại New York, nơi Thủ tướng dự lễ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Yoga” trong ngày 21-6 tại trụ sở của Liên hợp quốc. Sau đó, Thủ tướng Modi sẽ tới Washington D.C để hội đàm với Tổng thống Biden vào ngày 22-6. Chuyến thăm là cơ hội để làm tăng chiều sâu và sự đa dạng trong quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ, củng cố mối quan hệ dựa trên các giá trị chung, qua đó hai nước cùng nhau đứng vững hơn trong việc ứng phó với những thách thức chung toàn cầu.

HÙNG HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết