A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chung tay cứu trợ nhân đạo đối với Ukraine

Xung đột giữa Nga - Ukraine đang dẫn tới những lo ngại sâu sắc cùng sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về vấn đề khủng hoảng nhân đạo khi hơn 10 triệu thường dân Ukraine bị ảnh hưởng, hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương, nhà cửa đi lánh nạn.

Chung tay cứu trợ nhân đạo đối với Ukraine ảnh 1

Nga và Ukraine đã thống nhất mở nhiều hàng lang nhân đạo sơ tán thường dân khỏi các khu vực diễn ra xung đột vũ trang

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng

Đến nay, cuộc xung đột đã kéo dài tròn 1 tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đàm phán giữa 2 quốc gia này vẫn bế tắc do lập trường, quan điểm còn quá khác biệt. Tình hình đang tiếp tục diễn ra ác liệt tại nhiều thành phố như Thủ đô Kiev, Kharkov… và nhất là cuộc giành giật thành phố có vị chiến lược quan trọng ven biển Azov là Mariupol.

Xung đột leo thang và lan rộng đã gây ra những tổn thất, thiệt hại nặng cho các bên, đặc biệt là tổn thất của những thường dân ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23-3 cho biết, hàng nghìn người dân Ukraine đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 121 trẻ em. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cùng ngày đưa ra ước tính, 977 dân thường thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương, trong đó có ít nhất 81 trẻ em. OHCHR cho rằng, con số thực tế sẽ cao hơn số liệu họ công bố, vì tình hình căng thẳng cản trở tiếp cận thông tin chính xác.

Nhằm giảm tối đa tổn thất sinh mạng cho thường dân vô tội, một nội dung trọng tâm và cũng là nội dung duy nhất đạt được thỏa thuận cho đến nay trong đàm phán giữa Nga và Ukraine là mở các hành lang nhân đạo sơ tán cho người dân. Trong 1 tháng qua, Nga và Ukraine đã nhiều lần thống nhất mở hàng chục hành lang nhân đạo sơ tán, nhất là tại các thành phố như Kiev, Kharkov, Mariupol, Zaporozhye, Sumy, Kherson… Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết, đến nay đã có 3,6 triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước, trong khi 6,5 triệu người khác phải sơ tán ở trong nước cùng 12 triệu người khác bị ảnh hưởng bởi xung đột - tương đương gần một nửa dân số Ukraine đang chịu tác động. Đáng chú ý, trong số gần 7 triệu người phải sơ tán trong nước có tới 1/3 gặp vấn đề y tế mãn tính. Theo WHO, khoảng một nửa số cửa hàng thuốc ở Ukraine có thể đã phải đóng cửa. Xung đột cũng ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và các chương trình tiêm chủng khác ở Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cho biết, các cơ quan cứu trợ đang cố gắng tiếp cận người dân trong các khu vực xung đột, đặc biệt là các thành phố Mariupol, Sumy và Kharkov. Theo điều phối viên khẩn cấp Jakob Kern, dù đã có các đoàn xe cứu trợ tới các khu vực trên, nhưng con số này ít hơn nhiều nhu cầu thực tế, và việc cứu trợ cho các thành phố lớn “cần thực hiện hàng ngày”. Do đó, WFP kêu gọi cần mở hành lang nhân đạo thường trực, để hàng cứu trợ tới được các thành phố này.

Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực nhân đạo

Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, cộng đồng quốc tế đã lập tức triển khai các hoạt động nhằm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo, hỗ trợ, giúp đỡ thường dân đi sơ tán lánh nạn. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã tổ chức họp khẩn về tình hình khủng hoảng nhân đạo này. Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên trong lịch sử đạt đồng thuận giữa tất cả 28 quốc gia thành viên về việc cùng tiếp nhận người tị nạn Ukraine một cách nhanh chóng và không quan liêu thủ tục giấy tờ. Quy định đặc biệt đó được EU lần đầu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều đơn xin tị nạn tới mức quy trình thông thường có thể bị quá tải. Cụ thể, trong trường hợp này là xuất hiện “dòng người tị nạn ồ ạt” đổ vào các quốc gia thành viên liên minh. Theo đó, những người tị nạn từ Ukraine không phải làm thủ tục xin tị nạn mà nhận được sự bảo hộ tạm thời ở EU trong tối đa 3 năm. Các tiêu chuẩn tối thiểu mà tất cả các nước EU phải đảm bảo khi tiếp nhận người tị nạn Ukraine, bao gồm phải cấp cho họ giấy phép lao động, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ vị thành niên và trong một số điều kiện nhất định gồm cả khả năng đoàn tụ gia đình.

EU hiện đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở các nước thành viên phía Đông gồm Ba Lan, Romania và Slovakia, đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ y tế để gửi đến các trung tâm này nhằm hỗ trợ Ukraine. Bên cạnh đó, EU cũng đang hỗ trợ các nước thành viên tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine. Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC), các trung tâm nhân đạo sẽ giúp phân bổ các nguồn hỗ trợ của 27 nước thành viên EU thông qua Cơ chế Bảo vệ dân sự của EU.

Có vấn đề đã được nêu ra là chi phí để giúp hàng triệu người Ukraine đi lánh nạn thực sự là còn số rất lớn. Một số ước tính ban đầu đưa ra cho chi phí chỗ ở, đi lại, ăn uống và xử lý các vấn đề khác là 30 tỷ USD chỉ trong năm đầu tiên. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Âu vẫn đang phục hồi sau đại dịch và đối phó với tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát cao. Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic ước tính, đến nay có thể đã có trên 7 triệu người Ukraine phải đi lánh nạn. Nếu xung đột vũ trang kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua. WHO ngày 23-3 nhận định, cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát do tình trạng xung đột kéo dài 1 tháng qua ở Ukraine đến nay mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Ông Michael Ryan cho rằng, cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa cho Ukraine trong những tuần tới, bởi WHO chưa từng ghi nhận nhu cầu nhân đạo phức tạp trong cuộc khủng hoảng phát triển nhanh chóng đến vậy.

Là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực nhân đạo đối với Ukraine. Phát biểu tại Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân đạo do chiến sự gây ra tại Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay cần tập trung vào việc dừng chiến sự, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, triển khai các hoạt động nhân đạo và sơ tán công dân. Đại sứ cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực nhân đạo của Tổng Thư ký, các cơ quan Liên hợp quốc, các nước trong khu vực, đối tác quốc tế và sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đối với Ukraine trong điều kiện và khả năng cho phép.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết