A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mỹ đưa “căn cứ viễn chinh di động” tới Biển Đông

Việc Mỹ lần đầu tiên triển khai siêu tàu đổ bộ tải trọng hơn 90.000 tấn, là “căn cứ viễn chinh di động” của quân đội nước này, tới Biển Đông được xem là thông điệp răn đe những tham vọng chủ quyền phi pháp tại vùng chiến mà Washington tuyên bố có lợi ích sống còn.

Mỹ đưa “căn cứ viễn chinh di động” tới Biển Đông ảnh 1

Siêu tàu đổ bộ USS Miguel Keith của Mỹ lần đầu tiên được triển khai tới Biển Đông được cho là mang thông điệp răn đe với tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở vùng biển này

“Quái vật biển” USS Miguel Keith

Phân tích hình ảnh vệ tinh của tổ chức Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho thấy, tàu đổ bộ USS Miguel Keith cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ đã đi qua eo biển Bashi để tiến vào vùng biển phía Tây Nam Biển Đông từ ngày 21-3. Đây là lần đầu tiên chiếc tàu đổ bộ lớn nhất của Mỹ với lượng giãn nước hơn 90.000 tấn, được xem như là một “căn cứ viễn chinh di động” của quân đội Mỹ tiến vào Biển Đông kể từ khi nó được triển khai tới Tây Thái Bình Dương hồi tháng 10-2021.

Tàu đổ bộ USS Miguel Keithm (thuộc lớp Lewis B Puller) có chiều dài tới 240m, vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ, được mệnh danh là “quái vật biển”, chỉ nhỏ hơn một chút so với siêu tàu sân bay của Mỹ. Mặt boong lớn nhất của tàu USS Miguel Keith có diện tích gần 5.000m2, đủ sức chứa và làm “sân bay mini” cho nhiều loại máy bay lên thẳng cũng như thủy phi cơ. Trên tàu còn có nhà chứa để bảo dưỡng các loại trực thăng vận tải và trực thăng tấn công của Thủy quân lục chiến Mỹ. Điều đặc biệt là tàu đổ bộ thuộc lớp Lewis B Puller được thiết kế linh hoạt, có thể nổi toàn bộ hoặc chìm một phần xuống nước, cho phép thực hiện dễ dàng hơn các hoạt động hậu cần quy mô lớn như chuyển phương tiện và thiết bị từ biển vào bờ. Siêu tàu đổ bộ USS Miguel Keith vì thế có thể thực hiện một số nhiệm vụ của một “căn cứ viễn chinh di động” như làm nơi cất/hạ cánh của trực thăng hạng nặng, hỗ trợ hậu cần hay hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Sau khi được triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương hồi tháng 10-2021, tàu đổ bộ USS Miguel Keith mang theo cả trực thăng và thủy phi cơ triển khai đến căn cứ hải quân White Beach tại đảo Okinawa của Nhật Bản. Con “quái vật biển” này được biên chế vào Nhóm Tác chiến viễn chinh và Lực lượng viễn chinh trên biển của Hạm đội 7.

 

Phát biểu khi USS Miguel Keith được triển khai đến căn cứ hải quân White Beach, chỉ huy tàu cho biết, thủy thủ đoàn sẵn sàng tham gia hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như sẵn sàng đối phó với mọi thách thức và thực hiện các sứ mệnh được giao. Chỉ huy tàu cho biết thêm, sẽ hợp tác với lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ để “tăng cường khả năng phối hợp và cùng nhau chiến đấu hiệu quả hơn”.

Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Chris Engdahl - Tư lệnh Nhóm tác chiến tấn công viễn chinh số 7 của Mỹ cho biết, tàu đổ bộ USS Miguel Keith giúp cung cấp khả năng hiện diện ở những khu vực mà Mỹ không có căn cứ quân sự trên đất liền, đồng thời hỗ trợ sứ mệnh cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa trong trường hợp cần thiết. Vị tư lệnh Mỹ nói: “Với việc lần đầu tiên được triển khai tới Hạm đội 7, chúng tôi dự định tăng cường khả năng của cả con tàu lẫn thủy thủ đoàn bằng cách phối hợp với Thủy quân lục chiến và các lực lượng của đối tác, đồng minh, để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở”.

Không thể chấp nhận tham vọng phi pháp “độc chiếm” Biển Đông

Việc Mỹ triển khai siêu tàu đổ bộ USS Miguel Keith tới Tây Thái Bình Dương và lần đầu tiên đi vào Biển Đông đã thu hút sự quan tâm, bình luận của giới chuyên gia cũng như các quốc gia liên quan. Các nhà quan sát quân sự cho rằng, sự hiện diện của “căn cứ viễn chinh di động” này sẽ giúp củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi dài các đảo ở Thái Bình Dương, bắt đầu từ Nhật Bản kéo dài đến bán đảo Mã Lai, trong đó có cả Đài Loan, Philippines...

Chuỗi đảo thứ nhất đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực Tây Thái Bình Dương. Các lực lượng của Trung Quốc bắt buộc phải đi qua chuỗi đảo này để tiếp cận với khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn cũng như các đại dương khác mà gần nhất là Ấn Độ Dương. Tàu USS Miguel Keith triển khai tại căn cứ ở đảo Okinawa sẽ được sử dụng như một tàu sân bay phục vụ cho các lực lượng đổ bộ của Mỹ, giúp Mỹ ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Sau khi được triển khai tới căn cứ hải quân White Beach, tàu đổ bộ USS Miguel Keith đã đóng vai trò chủ lực trong cuộc diễn tập hải quân chung Mỹ - Nhật Bản Noble Fusion hồi tháng 2 năm nay. Giới chuyên gia quân sự cũng cho rằng, siêu tàu đổ bộ này sẽ được Mỹ triển khai để tham gia các cuộc tập trận và sự kiện quân sự ở Biển Đông cùng các khu vực lân cận do tính đa nhiệm của nó. Hiện, giới chức quân sự Mỹ chưa thể hoạt động thông tin của tàu đổ bộ USS Miguel Keith trong lần đầu tiên triển khai ở Biển Đông. Dù vậy, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết, nước này chú ý theo dõi hoạt động của tàu USS Miguel Keith và tìm cách ứng phó, vì sự hiện diện của con tàu này trong Biển Đông có thể “nâng cao đáng kể khả năng hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực”.

Rất đáng chú ý là chỉ một ngày sau khi tàu USS Miguel Keith vào Biển Đông, giới chức Mỹ ngày 22-3 cho biết, hải quân nước này và Philippines sẽ tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay tại vùng biển của Philippines trong 12 ngày từ 28-3 đến 8-4 nhằm “thể hiện mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ giữa 2 quốc gia trước sức ép của Trung Quốc tại khu vực”. Cuộc tập trận Balikatan 2022 với sự tham gia của 3.800 binh sĩ Philippines và 5.100 binh sĩ Mỹ sẽ bao gồm nhiều nội dung, trong đó có chủ đề an ninh hàng hải, huấn luyện bắn đạn thật, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, cuộc tập trận Balikatan 2022 nhằm củng cố khả năng an ninh và năng lực phòng thủ chung của liên minh quân sự giữa 2 nước. Balikatan 2022 là cơ hội quan trọng để Mỹ sát cánh cùng đồng minh Philippines hướng tới một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời tạo kết nối, thịnh vượng, an toàn và linh hoạt hơn như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề ra.

Những hoạt động quân sự liên tiếp đáng chú ý của Mỹ ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang ráo riết triển khai các bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” bất chấp Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã ra phán quyết bác bỏ. Mới đây nhất, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) John Aquilino cho rằng, Trung Quốc có thể đã xây xong cơ sở quân sự trên 3 thực thể đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép. Mỹ chắc chắn không thể ngồi yên để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông - vùng biển chiến lược quan trọng thuộc Thái Bình Dương - nơi mà Washington nhiều lần tuyên bố họ có lợi ích sống còn. Lần đầu tiên triển khai siêu tàu đổ bộ USS Miguel Keith tới Biển Đông vì thế được xem như một thông điệp đầy sức mạnh răn đe bất cứ tham vọng nào đòi “độc chiếm” vùng biển chiến lược này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết