Nợ xấu tăng mạnh, VietBank (VBB) huy động thêm hàng nghìn tỷ từ trái phiếu và tăng vốn
Thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của VietBank là 2.486 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, chiếm đến 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.
Hàng loạt ngân hàng giảm nợ xấu, nhưng VietBank lại ghi nhận… nợ xấu tăng vọt
Tuần vừa qua, hàng loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2022, theo đó bức tranh kinh doanh của các ngân hàng đã lộ diện. Bên cạnh những ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận, công bố gần như hoàn thành kế hoạch năm thì vẫn còn một số ngân hàng ghi nhận số liệu không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã VBB).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã VBB) với tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.
Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, lên gần 82 tỷ đồng nhờ tăng thu từ hoạt động dịch vụ và ngân quỹ. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 84%, lên 63 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại hối và ngoại tệ giao ngay. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, thu được gần 198 tỷ đồng nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro.
Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 84%, chỉ còn hơn 62 tỷ đồng.
Trong kỳ, VietBank trích lập gần 209 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản nhà băng này đã tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 109.207 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 53% xuống còn 2.188 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 14% lên 57.415 tỷ đồng... Tiền gửi khách hàng tăng 5% lên hơn 70.137 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của VietBank lại đi xuống rõ rệt. Thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của nhà băng này đã tăng 35% so với đầu năm lên 2.486 tỷ đồng trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, chiếm đến 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.
Đánh giá từ các chuyên gia về tình hình nợ xấu của ngân hàng cho thấy, những khoản nợ xấu cao có thể đẩy ngân hàng rơi vào tình trạng mất vốn, mất thanh khoản và mất lòng tin của khách hàng. Khi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, không có khả năng thu hồi, kéo theo đó là khả năng thanh toán chắc chắn sẽ giảm. Khủng hoảng trong thanh toán chính là nguyên nhân dễ dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng. Nhất là với nợ xấu tăng cao còn làm suy giảm năng lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực tài chính.
Ngoài ra, nợ xấu gia tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng sẽ suy giảm. Khi ngân hàng không đạt được kế hoạch lợi nhuận với những khoản nợ khó đòi trong nhiều quý và chính ngân hàng cũng trở thành những con nợ với những khoản nợ khổng lồ và buộc phải đi đến kết cục bị phá sản hay bị thôn tính sáp nhập.
Tăng vốn và phát hành trái phiếu
Vietbank được biết tới là ngân hàng được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, với những cổ đông sáng lập ban đầu đều có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Tới thời điểm hiện tại, Chủ tịch của Vietbank là ông Dương Nhất Nguyên.
Ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983 và là người trẻ nhất trong Hội đồng Quản trị VietBank. Đáng chú ý, ông Nguyên là con trai của ông Dương Ngọc Hoà - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: Vietbank
Gần đây nhất vào tháng 7, VietBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng từ mức 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thông báo sẽ phát hành 300.000 trái phiếu ra công chúng, tương đương 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán. Đây là loại trái phiếu được phát hành rộng rãi cho các cá nhân và tổ chức, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.
Tại đợt 1 phát hành, số lượng trái phiếu chào bán là 100.000 trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50 triệu đồng.
Đầu tháng 10, SCC cũng thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) của VietBank. Theo báo cáo, số lượng trái phiếu đã phân phối trong đợt 1 là 100.000 trái phiếu (mệnh giá: 10 triệu đồng/trái phiếu). Tổng giá trị vốn huy động là: 1.000 tỷ đồng, mục đích chào bán nhằm tăng quy mô vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Hội đồng Quản trị nhà băng này cũng đã nhất trí thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu với khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 343.000 trái phiếu - tổng giá trị là 343 tỷ đồng. Loại trái phiếu là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá là 1 triệu đồng/trái phiếu.
Theo đó, trái phiếu được mua lại có mã VIETBANK.L.20.27.001, phát hành vào ngày 28/10/2020, kỳ hạn 7 năm, kỳ thanh toán lãi 1 năm/lần. Tổ chức tư vấn phát hành và lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). VietBank dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Thời gian mua lại dự kiến trong quý IV/2022.