Kỳ vọng gì với "ngân hàng đất nông nghiệp"?
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến là quy định về “ngân hàng đất nông nghiệp”. Theo chuyên gia, nếu làm tốt, ngân hàng đất nông nghiệp có thể là bước ngoặt trong tích tụ, khắc phục vấn nạn đất nông nghiệp bỏ hoang.
Ngân hàng đất được kỳ vọng thúc đẩy tích tụ ruộng đất, giảm thiểu tình trạng đất bỏ hoang.
Một khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong giai đoạn 2016-2017, tỉnh Thái Bình có khoảng 30% nông dân bỏ ruộng hoang hoặc đem cho mượn. Đây cũng là bài toán nan giải của nhiều địa phương trên cả nước.
Giải "bài toán" bỏ hoang đất
Nguyên nhân, theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng IPSARD, là do các tỉnh, thành chưa có ngân hàng đất nông nghiệp để gom đất nông nghiệp bỏ hoang, đồng thời thiếu cơ chế để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể thuê lại đất của nông dân.
“Người nông dân khi di cư ra các đô thị làm việc để kiếm thu nhập cao hơn làm ruộng, họ không canh tác nhưng vẫn phải giữ đất, nên đất ruộng nhiều khi bỏ không hoặc cho mượn. Cùng với quá trình đô thị hóa, tỷ lệ đất nông nghiệp bỏ hoang có thể còn tăng cao hơn”, ông Thắng phân tích.
Trước thực trạng trên, theo giới chuyên gia, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp nếu thành hiện thực sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng tăng.
Bởi, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tạo lập quỹ đất thông qua việc thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi và cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất.
PGS.,TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, đánh giá nếu phát huy đúng vai trò, ngân hàng đất sẽ là địa chỉ để người nông dân gửi đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang. Phía ngân hàng đất tổ chức cho các doanh nghiệp thuê lại và chia sẻ lợi nhuận cho chủ đất.
“Người nông dân vẫn giữ được đất, lại có thêm thu nhập, doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại. Việc này cũng tương tự như việc người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm vậy”, ông Tuyến nói.
Ai quản lý “ngân hàng đất”?
Thự tế, dù chưa chính thức có ngân hàng đất nông nghiệp, nhưng ở nhiều địa phương, hình thức này cũng đã được áp dụng và cho lợi ích tích cực. Điển hình như ở Hà Nam, chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê đất của dân 20 năm, sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại.
Bên cạnh đó, Hà Nam cũng thí điểm lấy ngân sách ứng trả tiền thuê đất 20 năm. Doanh nghiệp sẽ trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại. Nhờ đó, Hà Nam đã quy hoạch được 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 654,7ha.
Nếu ở Việt Nam, ngân hàng đất nôn nghiệp mới chỉ ở bước manh nha, thì ở nhiều quốc gia khác, mô hình này đã được triển khai và cho thấy hiệu quả cao.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 27,9 triệu ha nhóm đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa khoảng 3,9 triệu ha, đất rừng phòng hộ khoảng 5,1 triệu ha, đất rừng đặc dụng khoảng 2,9 triệu ha, đất rừng sản xuất khoảng 7,9 triệu ha, đất làm muối 15,6 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 785 nghìn ha.
Tại một hội thảo mới đây, TS. Phan Văn Ngọc, đại diện nhóm Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm (RAI), cho hay tại Nhật Bản, một quốc gia có diện tích đất nông nghiệp hẹp đã lập "ngân hàng đất" như một cơ quan trung gian.
Ai cần bán, cho thuê thì "ngân hàng đất" sẽ thu gom đất đai để cung cấp cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa tại Nhật Bản.
Tương tự, tại Trung Quốc, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ nước này cho phép thành lập các trung tâm dịch vụ đất đai để gom đất nông nghiệp mà nông dân không sử dụng.
Để tránh đầu cơ, người dân sẽ được thuê tối đa không quá 5 ha đất, doanh nghiệp thì được phép thu gom đất diện tích lớn với điều kiện phải tạo việc làm cho người dân tại chỗ.
Rõ ràng, chủ trương thành lập ngân hàng đất nông nghiệp là một trong những điểm mới mang lại nhiều kỳ vọng trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, theo PGS.,TS. Nguyễn Quang Tuyến, để phát huy vai trò, hạn chế rủi ro, cần phải làm rõ cơ quan nào quản lý ngân hàng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ ngân hàng đất nông nghiệp sẽ tạo lập quỹ đất nông nghiệp bằng cách nào; được thành lập từ trung ương, đến cấp tỉnh, huyện hay chỉ thành lập ở những địa phương có nhiều đất nông nghiệp…