A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhìn lại kết quả kinh doanh các nhà băng năm 2021: Ấn tượng nhưng tiềm ẩn rủi ro

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV năm 2021 từ đó cho thấy con số doanh thu và lợi nhuận nhiều ngân hàng rất ấn tượng. Tuy nhiên, tiềm ẩn trong đó nhiều rủi ro từ con số nợ xấu tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.

Kết quả kinh doanh các nhà băng năm 2021 nhiều ấn tượng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

2 ngân hàng đạt lợi nhuận vượt mốc 1 tỷ USD

Mặc dù một số nhà băng báo lỗ trong quý IV/2021, nhưng nhìn chung lợi nhuận ngân hàng cả năm 2021 đều đạt mức khả quan, dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4. 

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, thậm chí có 2 ngân hàng còn vượt mốc 1 tỷ USD.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa trở thành ngân hàng thứ 2 đạt lợi nhuận tỷ USD sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Với lợi nhuận trước thuế đạt gần 23.240 tỷ đồng (tức khoảng 1 tỷ USD), tăng 47% so với năm trước, Techcombank đã vượt Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) để soán ngôi á quân lợi nhuận toàn ngành.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận đạt hơn 16.527 tỷ đồng, tăng 2 bậc so với năm ngoái lên đứng ở vị trí thứ 4, vượt qua cả Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VPBank với 14.580 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và Agribank với 14.500 tỷ đồng.

Còn với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từng nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế năm 2019 cao nhất với 10.876 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2020, ngân hàng này đã rơi xuống vị trí thứ 8 do lợi nhuận sụt giảm còn 9.017 tỷ đồng. Đến nay, với lợi nhuận tăng gấp rưỡi so với năm 2020 và vượt 4,6% kế hoạch, đạt mức 13.601 tỷ đồng, BIDV nhích tăng lên vị trí thứ 7.

3 ngân hàng còn lại nằm trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất năm qua là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 12.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) 8.069 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) 8.011 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2021, ngân hàng có mức tăng trưởng "khủng" nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) khi lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. So với 158 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2020 thì với hơn 1.010 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021, Kienlongbank đã tăng trưởng lợi nhuận tới 539%. Lợi nhuận này chủ yếu được đóng góp từ thu nhập lãi thuần của ngân hàng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), do trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, cả năm ngân hàng báo lãi trước thuế chỉ vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước.

Nhìn chung, năm nay các ngân hàng có phần quốc doanh dè dặt hơn trong việc công bố con số lãi cụ thể, vì e ngại trước những thông tin trái chiều về việc "ngân hàng lãi lớn trong đại dịch".

Bảng xếp hạng nợ xấu có nhiều thay đổi, VPBank đứng đầu

Theo thống kê nợ xấu các ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, năm nay bảng xếp hạng nợ xấu có sự xáo trộn lớn.

Nợ xấu của VPBank trong năm 2021 tăng 60% so với năm 2020. Trong cơ cấu nợ xấu của VPBank, nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ và nợ có khả năng mất vốn giảm một nửa. Tuy nhiên, nợ nghi ngờ của VPBank lại tăng cao.

Nợ xấu VPBank tăng cao phần lớn do FE Credit chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Về phần ngân hàng mẹ VPBank, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt và giảm từ 1,98% năm 2020 xuống còn 1,45% năm 2021, tính theo Thông tư 02.

VPBank trở thành ngân hàng có nợ xấu cao nhất

Nợ xấu tại Vietinbank cũng tăng nhưng mức tăng thấp hơn, trong khi nợ xấu tại BIDV giảm mạnh.

Đứng thứ 2 là Vietinbank, khi nợ xấu tăng 50%, lên 14.300 tỷ đồng. Năm ngoái, Vietinbank đứng thứ 3 trong top nợ xấu. Nợ dưới tiêu chuẩn của Vietinbank năm qua tăng lên 7.096 tỷ đồng, gấp gần 4 lần hồi đầu năm. Thời điểm cuối quý 3, nợ xấu Vietinbank từng lên 18.100 tỷ đồng, nhưng trong quý 4 ngân hàng đã giảm được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu.

BIDV là ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt nhất năm qua, khi giảm từ hơn 21.000 tỷ đồng xuống còn 13.245 tỷ đồng (giảm 38%). Qua đó, BIDV từ vị trí ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất năm 2020 xuống chỉ còn đứng thứ 3 trong năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV cũng giảm mạnh xuống dưới 1%.

Ông lớn Vietcombank tăng hạng từ thứ 6 lên thứ 4, khi nợ xấu tăng lên 6.121 tỷ đồng. Các ngân hàng khác tăng nợ xấu năm qua có VIB (+1.713 tỷ đồng), Vietbank (+1.060 tỷ đồng), HDBank (+1.003 tỷ đồng), Techcombank (+999 tỷ đồng), ACB (+959 tỷ đồng).

Eximbank và LienVietPostBank ra khỏi top 10 nợ xấu năm 2021, thay vào đó là HDBank và ACB.

Xét trên tỷ lệ nợ xấu/tổng cho vay, VPBank cũng là ngân hàng dẫn đầu với tỷ lệ 4,47%. Năm 2020, VPBank đứng thứ 2, xếp sau Kienlongbank nhưng Kienlongbank trong năm qua đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 5,41% xuống chỉ còn 1,89%.

Bộ 3 ngân hàng vốn Nhà nước BIDV - Vietinbank - Vietcombank dù có giá trị nợ xấu lớn, nhưng so với quy mô cho vay thì tỷ lệ nợ xấu của các ông lớn này đều được kiểm soát chặt chẽ, chỉ trên dưới 1%. Ở chiều ngược lại, các nhà băng tăng tỷ lệ nợ xấu năm qua có Vietbank, NCB, VIB, Saigonbank.


Tác giả: Đinh Tịnh - Thanh Bút
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết