A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phục hồi kinh tế "để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó"

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ thực hiện trong vòng 2 năm nên cần phải đẩy nhanh tiến độ triển kha

Ngày 25-1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các bộ, ngành để góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Đề xuất hỗ trợ lãi suất 2%/năm

Báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết dự thảo Nghị quyết gồm 4 phần, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của từng bộ, cơ quan, địa phương theo lộ trình, thời gian phù hợp và bảo đảm triển khai nhanh, hạn chế tối đa việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.

Phục hồi kinh tế để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội .Ảnh: TRẦN MẠNH

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm, Bộ KH-ĐT đã tiếp thu trong dự thảo Nghị quyết để cụ thể hóa chính sách tại Nghị quyết 43, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện và xây dựng dự toán cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ cũng đã tiếp thu tại dự thảo Nghị quyết, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm việc người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động trong trường hợp cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết giao Bộ Tài chính có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án bảo lãnh Chính phủ đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách.

Về chính sách hỗ trợ 2%/năm với các chương trình tín dụng lãi suất trên 6%/năm, ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, đề xuất chủ yếu hỗ trợ với các món vay phát sinh trong năm 2022 - 2023, tổng lãi suất hỗ trợ khoảng 3.000 tỉ đồng (mỗi năm 1.500 tỉ đồng), khi có quy định, sẽ sớm hoàn thiện để cho vay kịp thời. Ông Vinh cũng đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt đề án về phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội, do toàn bộ nguồn lực thực hiện chương trình đều huy động từ nguồn trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đại diện các bộ, ngành đã góp ý chi tiết một số nội dung cụ thể liên quan đến: tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; cho vay mua máy tính đối với học sinh, sinh viên; cho vay đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập; cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; cho vay giải quyết việc làm; danh mục các dự án đầu tư; xúc tiến, quảng bá du lịch; bổ sung đối tượng được hỗ trợ là tổ hợp tác...

Có thể ban hành trước Tết

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỉ đồng. "Do đó, để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó. Phải triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị trình Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết này, bảo đảm việc tổ chức thực hiện sát thực, khả thi, hiệu quả.

Nhấn mạnh chủ trương của Thường trực Chính phủ là ký ban hành Nghị quyết trước khi nghỉ Tết, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, rà soát lại các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình để giao nhiệm vụ cho phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc rà soát các đối tượng chính sách, nghiên cứu việc bổ sung đối tượng hỗ trợ cho phù hợp; trình tự thủ tục thực hiện chặt chẽ, bảo đảm không để xảy ra vi phạm; bổ sung vào dự thảo nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để phòng trường hợp vi phạm pháp luật...

Nghị quyết 43 của Quốc hội đề ra mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.


Tác giả: Theo Thế Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết