A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Năm 2022, cả nước tiết kiệm được gần 54 nghìn tỷ đồng

Sáng 23-5, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ năm, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành nội dung phiên họp.

Năm 2022, cả nước tiết kiệm được gần 54 nghìn tỷ đồng

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực, như: Đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước cho thấy: Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: Chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng - tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán.

"Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.  

Đặc biệt, năm 2022, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021)...

Công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí

Đại diện cơ quan thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh chỉ ra một số điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được gần 54.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cơ bản được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, tiết kiệm trên 8.546 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và đầu tư 5.941 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiết kiệm 1.416 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng đánh giá công tác cải cách hành chính được quan tâm; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập...

 Quang cảnh phiên họp. 

Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm; chưa khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo...

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu của một số chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sát thực tế; triển khai một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến. Đến ngày 31-12-2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn).

Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Cơ quan thẩm tra kiến nghị nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết tình trạng trên, trong đó nhấn mạnh: “Chính phủ cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đặc biệt, công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết