A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỳ vọng tăng trưởng nóng vào mùa tiêu dùng cuối năm

Một số doanh nghiệp, ngành hàng trong mảng bán lẻ, tiêu dùng kỳ vọng sẽ có tăng trưởng “nóng” khi chuẩn bị bước vào quý IV/2022 - được xem là mùa tiêu dùng cuối năm. Cũng cần lưu ý, do sức mua bán lẻ vốn thay đổi theo mùa, đặc biệt là với mùa cao điểm cuối năm, nên càng đòi hỏi một chuỗi cung ứng và kinh doanh của doanh nghiệp phải thực sự linh hoạt.

Theo nhận định mới đây của Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu thuần của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới, đặc biệt là vào quý IV/2022, là mùa cao điểm của thị trường. Biên lợi nhuận cũng được kỳ vọng tiếp tục được cải thiện khi bước vào mùa cao điểm. 

Chờ “làn sóng mua sắm”

Theo quan điểm của BVSC, việc Tết Nguyên đán 2023 tới sớm hơn thường lệ (trong tuần thứ 3 của tháng 1/2023), cũng cho thấy mùa bán hàng quý IV/2022 sẽ rất khả quan.

Với triển vọng “sáng” vào cuối năm sẽ giúp doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh (DMX) của MWG tăng trưởng 24% dựa trên cơ sở: Tăng trưởng từ nền thấp của năm 2021, chuỗi mô hình Điện máy Xanh Supermini (ĐMS) đang hoạt động hiệu quả, và các yếu tố khác như mùa World Cup đang đến gần, hay Tết Nguyên Đán sẽ đến sớm hơn trong tháng 1/2023, là động lực để thúc đẩy doanh thu trong quý 4 năm nay.

Riêng với mảng bánh kẹo, các doanh nghiệp (DN) trong mảng này được cho là vẫn đang hy vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh khi bước vào quý 4/2022, nhất là khi thị trường bánh kẹo có tính chất mùa vụ khá rõ nét.  

Tuy vậy, sau tác động mạnh của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Việt có khuynh hướng quan tâm hàng đầu đến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, còn bánh kẹo chỉ là thứ yếu. 

Cho nên, tuy bước vào mùa tiêu dùng cuối năm, hàng bánh kẹo không được đưa vào khoản tiêu dùng chính trong chi tiêu của người tiêu dùng dù ở nông thôn hay thành thị, mà hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập. Chính vì thế, bất cứ một sự biến động nhỏ nào trong thu nhập của người dân cũng khiến doanh thu của các công ty bánh kẹo bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Bibica, cho biết nếu những DN bánh kẹo nào vượt qua được 3 quý đầu năm nay thì đến quý IV của năm sẽ dễ dàng hơn trong việc hoạch định các vấn đề hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, sẽ tương đối rõ ràng và ít có yếu tố biến động.

Còn theo nhận định vừa đưa ra từ Công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W), trong 3 tháng cuối năm, với nhiều sự kiện lễ hội nối đuôi chương trình khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với dự kiến số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm cho tiệc như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng… sẽ tăng trưởng nóng. 

Chuỗi cung ứng phải thực sự linh hoạt

Không chỉ vậy, khi bước vào quý IV/2022, nhu cầu mua sắm thương mại điện tử (TMĐT) dự kiến sẽ làm tăng tỷ lệ lấp đầy các nhà kho trong đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhất là khi thói quen mua sắm qua TMĐT đã phổ biến với dân đô thị tại các thành phố lớn trong cả nước, cùng với những tiện lợi trong việc thanh toán trực tuyến. 

Bộ Công Thương cũng dự báo quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt đến 16,4 tỷ USD trong năm nay. Trong nhóm DN cung cấp TMĐT, hiện dẫn đầu là Shopee, Lazada, Grab, Baemin, Tiki, GoJek, Sendo, ShopeeFood, Be và AhaMove.

Sức ảnh hưởng của TMĐT có thể thấy rõ ở mảng mỹ phẩm. Kênh phân phối TMĐT trong ngành hàng này ở Việt Nam đang có tốc độ phát triển “chóng mặt”. Một cuộc thăm dò cho thấy 44% người tiêu dùng ở nhóm 25 - 32 tuổi chọn mua sản phẩm trên kênh phân phối này. 

Trong bối cảnh cạnh tranh cao, chiến lược mục tiêu của các thương hiệu mỹ phẩm cho mùa tiêu dùng vào quý IV/2022 là tối ưu hóa mọi điểm chạm với khách hàng. Bên cạnh những kênh truyền thống, các thương hiệu cần đẩy mạnh trade marketing (tiếp thị thương mại) trên kênh TMĐT và mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram,…

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc C&W Việt Nam: Thời điểm nhấn nút chốt đơn chính là lúc cuộc đua giao hàng của các nhà bán lẻ và sàn TMĐT bắt đầu. Các nhà bán lẻ và vận hành sàn TMĐT sẽ phải cực kỳ linh hoạt trong chuỗi hậu cần để đáp ứng nhu cầu theo lịch các dịp lễ hội, khuyến mại vào cuối năm.

“Nhiều đơn vị chạy đua giao hàng nội thành trong ngày kèm dịch vụ hỏa tốc 2 giờ, một số đơn vị còn có đội ngũ giao hàng riêng để giảm phụ thuộc vào bên hậu cần thứ ba (3PL). Khách hàng muốn được nhận hàng nhanh nhất có thể, tạo áp lực cho bước cuối cùng của hành trình đơn hàng – giao hàng chặng cuối (last-mile delivery)”, bà Trang Bùi chia sẻ.

Giới phân tích lưu ý sức mua bán lẻ vốn thay đổi theo mùa, nên một chuỗi cung ứng hiệu quả phải thực sự linh hoạt (nhất là với mùa cao điểm cuối năm). Hơn nữa, ngay từ giữa năm, các nhà bán lẻ đã phải tìm kiếm kho hàng và ký hợp đồng thuê ngắn hạn để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. Bởi vì theo ghi nhận tỷ lệ lấp đầy nhà kho mùa cao điểm có thể lên đến 100%.

Ngoài ra, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng cơ hội cho các DN khi bước vào mùa tiêu dùng cuối năm là tương đối nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Cơ hội sẽ đến nhiều hơn với những DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hay các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao theo mùa vụ cuối năm, nhưng DN cần tạo sự hiệu quả trong kênh phân phối của mình.

Theo ông Dũng, để tận dụng cơ hội, các DN phải gặp thuận lợi trong cả chuỗi kinh doanh và cung ứng (từ nguyên vật liệu, nhân công, vận chuyển, kho hàng…). Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của DN sẽ tăng, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng nhằm giúp DN khai thác vốn vay để mạnh dạn đầu tư cho quý cuối năm. 


Tác giả: Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết