A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đã có ba ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt

VPBank, ACB và VIB là những ngân hàng đầu tiên dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Đã có ba ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt

Sau ba năm liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này.

Với kết quả kinh doanh tích cực, lãnh đạo VIB cho biết sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án này được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.

"Con số 35% này có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022", đại diện VIB chia sẻ.

Được biết, VIB là ngân hàng luôn tổ chức họp ĐHĐCĐ sớm và thường hoàn thành việc chia cổ tức trong vòng 6 tháng đầu năm, nghĩa là các cổ đông của nhà băng này hoàn toàn có thể kỳ vọng sớm nhận được cổ tức trong vòng 6-7 tháng nữa.

Trước đó, VPBank và ACB cũng đã công bố ý định chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Cuối buổi đại hội cổ đông năm 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Việc VIB, VPBank và ACB dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm sau là một tín hiệu đáng mừng cho các cổ đông ngân hàng. Bởi liên tục trong những năm gần đây, các ngân hàng hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao tiềm lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh và tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thống kê trong 3 năm gần nhất, chỉ có Vietcombank, VietinBank và BIDV được phép trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính dù các nhà băng này thường xuyên đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Điểm chung của ba ngân hàng đầu tiên lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 là đều có sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng tạo lợi nhuận đứng đầu nhóm tư nhân.

Tại VIB, hết 10 tháng đầu năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 8.715 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 109% lợi nhuận của cả năm 2021, với hệ số ROE dẫn đầu ngành ngân hàng đạt 30% liên tiếp trong 3 năm. Tính đến cuối quý III, vốn chủ sở hữu của VIB đạt gần 30.478 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ gần 6.832 tỷ đồng

Tại VPBank, thành công trong thương vụ bán FE Credit cho SMBC đã nâng quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất lên trên 100.000 tỷ đồng, lọt nhóm cao nhất thị trường. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ tính đến hết cuối quý III đạt hơn 40.600 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo tiêu chuẩn Basel II đạt xấp xỉ 15%.

Còn tại ACB, ngân hàng này kết thúc quý 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường trên 27%. Còn tỷ lệ nợ xấu quý III vẫn được đảm bảo ở mức 1%

Đến cuối tháng 9, ACB sở hữu khoản lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng mẹ ở mức gần 13.513 tỷ đồng; tổng vốn chủ hợp nhất đạt 55.735 tỷ đồng.


Tác giả: Theo Quang Hưng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết