Bộ Tài chính ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí luôn được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính xác định tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Phòng ngừa tham nhũng trong mọi mặt công tác
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chú trọng quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng trong toàn Ngành; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành, Bộ Tài chính đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ.
Để phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về triển khai công tác luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức. Trong 9 tháng năm 2022, ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.416 người.
Ngành Tài chính cũng tích cực thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Trong đó, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Đồng thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nghiệp vụ, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc... những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai. Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn Ngành. 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 981 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 26.183 triệu đồng...
Công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn như số vụ việc tham nhũng và số lượng đối tượng có hành vi tham nhũng được phát hiện giảm so với kỳ trước.
Nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát tài sản, thu nhập và các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, giải trình thu nhập bất minh; xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức có hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.