"Ghìm cương" lãi suất cho vay, "tiếp sức" cho doanh nghiệp bình ổn giá hàng hoá
Nhằm bình ổn giá cả hàng hoá trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, TP.Hà Nội ban hành một số giải pháp, trong đó Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội xây dựng chương trình, cơ chế lãi suất cho vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, thời gian thực hiện đến hết tháng 5/2023.
Nỗ lực bình ổn hàng hoá trước giá xăng tăng
Theo ghi nhận tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 6/2022 đến nay nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10%-30% so với thời điểm cuối tháng 5.
Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Trứng gà tăng từ 35.000 đồng/chục lên 45.000 đồng/chục…
Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng 10%-20% so với thời điểm đầu năm. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai, nhưng hiện mặt hàng này được bán với giá 60.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/1 lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.
Trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2022, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.
Theo đó, Thành phố yêu cầu các cơ sở tham gia Chương trình chủ động gửi thông báo giá bán các mặt hàng tham gia về Sở Công Thương khi đăng khi tham gia và khi có thay đổi về giá bán. Hàng hóa tham gia Chương trình phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.
Đáng chú ý, để nguồn cung hàng hóa dồi dào, chương trình bình ổn giá của TP. Hà Nội năm nay sẽ mở rộng đối tượng tham gia là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; thu hút nhiều doanh nghiệp có uy tín, có năng lực quy mô sản xuất lớn, có chất lượng sản phẩm tốt; hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình, UBND yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng chương trình, cơ chế lãi suất cho vay ưu đãi cho các khách hàng tham gia Chương trình, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 20/8.
Việc giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm.
Yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá cước
Bên cạnh các chính sách và kế hoạch bình ổn giá hàng hoá từ nay đến cuối năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá nhiên liệu xăng, dầu đã giảm sâu.
Từ thời điểm ngày 1/1 đến 21/7 đã giảm giá 6 lần. Đặc biệt, từ kỳ điều hành ngày 1/8 vừa qua, xăng dầu liên tiếp giảm sâu 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện tại dù giá xăng dầu giảm sâu, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn “neo” ở 29.000 đồng cùng loạt “ma trận” phụ phí vẫn bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm...
Chi phí vận tải hiện chiếm tới 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải tùy từng phương thức. Do đó, các ý kiến cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp đà trượt dốc nhưng giá cước vận tải vẫn “điềm nhiên” giữ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau hai năm đại dịch vừa qua.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: "việc giảm giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất. Do đó, khi giá xăng giảm, giá hàng hoá cũng giảm theo".
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác điều hành giá năm 2022 theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải xe khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước, kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở.
Với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện rà soát các chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm.
Đồng thời, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định.