A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Rà soát đánh giá hiệu quả của các hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 1223/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động rà soát đánh giá hiệu quả của các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh.

Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính được ban hành kèm theo Quyết định số 662/QĐ-BTC ngày 6/5/2022 để triển khai thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 10/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh”.

Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế nêu rõ, từ tháng 4-12/2022, ngành Thuế tập trung phân tích tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài để lựa chọn các đối tác cần ký kết Hiệp định thuế trong thời gian tới, ưu tiên dựa trên các tiêu chí quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ về thương mại, đầu tư....; đồng thời, Xây dựng kế hoạch đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần tổng thể giai đoạn 2021-2030. 

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2030, các đơn vị chức năng sẽ chủ động triển khai xúc tiến đàm phán với các nước đối tác đã được lựa chọn.

Đối với nội dung đổi mới chính sách đàm phán Hiệp định với các đối tác mới, trong khoảng thời gian từ tháng 4-12/2022, ngành Thuế tập trung nghiên cứu xu hướng quốc tế về các điều khoản mới của Hiệp định thuế, đặc biệt liên quan đến các vấn đề chống lợi dụng Hiệp định thuế, chống hình thành chính sách tiền tệ, thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số, thủ tục thỏa thuận song phương. Trên cơ sở đó, đề xuất chính sách Hiệp định thuế của Việt Nam đối với từng đối tác ký kết, đảm bảo hiệu quả tối ưu khi tham gia đàm phán Hiệp định thuế.

Song song với đó, tiến hành xây dựng Bộ nguyên tắc đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong bối cảnh mới trên cơ sở đánh giá toàn diện xu thế quốc tế, tình hình kinh tế của cả Việt Nam và  nước đối tác, cụ thể và chi tiết áp dụng với từng nhóm đối tác ký kết Hiệp định; Xây dựng Mẫu Hiệp định thuế mở để có thể linh hoạt trong đàm phán phù hợp với đặc điểm riêng của từng nước đối tác ký kết Hiệp định.

Đối với kế hoạch triển khai đàm phán lại đối với các Hiệp định thuế đã ký, trong thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, ngành Thuế tiến hành rà soát toàn bộ các Hiệp định đã ký; phân tích và đánh giá các điều khoản không còn phù hợp với tình hình mới của từng Hiệp định thuế. Từ đó, đề xuất bổ sung những điều khoản chưa có trong Hiệp định, sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản không còn phù hợp tại từng Hiệp định đã ký dưới hình thức đàm phán, ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định đã ký.

Từ tháng 01-12/2023, tiến hành đánh giá khả năng về việc chấp nhận đàm phán lại của phía nước đối tác để xây dựng phương án đàm phán phù hợp. Từ tháng 12/2024 đến tháng 12/2030, ngành Thuế sẽ chủ động xúc tiến đàm phán ngay đối với những nước đối tác đang có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam để đảm bảo không bị thất thu thuế và giảm thiểu tranh chấp có khả năng xảy ra.

Cũng theo Kế hoạch hành động, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2030, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành thực hiện điều chỉnh các quy định nội luật do tác động của Hiệp định thuế; Thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến Hiệp định thuế; tập trung triển khai các công tác tổ chức, thực hiện các Hiệp định thuế hiện hành.

Đến tháng 12/2025, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án đến năm 2025, từ đó có những đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung phù hợp cho giai đoạn tiếp theo; Đến tháng 12/2030, tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện đàm phán ký kết Hiệp định thuế đến năm 2030 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết