Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải có kiểm soát, tránh trục lợi chính sách
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải có kiểm soát, tránh trục lợi chính sách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Tranh trục lợi chính sách
Tại phiên thảo thuận ở hội trường sáng 20/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Làm rõ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Theo đó, dự thảo Luật đã điều chỉnh khái niệm theo hướng khái quát và quy định nguyên tắc chung để tương đồng với Luật Phòng, chống rửa tiền; đồng thời đảm bảo yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF).
Đối với các tiêu chí để xác định chủ sở hữu hưởng lợi như: Tỷ lệ cụ thể sở hữu vốn điều lệ trực tiếp hoặc gián tiếp; quyền chi phối thông qua tỷ lệ biểu quyết thông qua việc bổ nhiệm, bãi nhiệm dân sự..., Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và tham mưu cho Chính phủ quy định rõ tại Nghị định hướng dẫn Luật.
Về trách nhiệm thu thập, lưu giữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu giữ ít nhất 5 năm để đảm bảo để phù hợp với khuyến nghị của FATF. Quy định này áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Thực tiễn hiện nay, các thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp giải thể chấm dứt hoạt động được lưu trữ trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp lâu hơn nhiều so với thời hạn 5 năm. Việc triển khai thực hiện nội dung này không có vướng mắc trên thực tiễn, việc lưu giữ cũng nhằm tránh trục lợi chính sách.
Trong giai đoạn này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng trục lợi chính sách như: lợi dụng những chính sách về miễn, giảm thuế để thành lập doanh nghiệp nhưng hoạt động một thời gian đóng cửa, sau đó lại thành lập doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý cũng sẽ kết nối với dữ liệu dân cư, doanh nghiệp phải được định danh cá nhân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi tại dự thảo Luật nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với FATF. Trường hợp không thể chế nội dung này có thể có những hậu quả về kinh tế như nguy cơ bị FATF đưa vào danh sách đen và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện các tổ chức như OECD, WB… đang sử dụng tiêu chí về có quy định chủ sở hữu hưởng lợi để đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của các quốc gia.
Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao xây dựng nghị định hướng dẫn Luật để ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực sẽ triển khai được các quy định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Thảo luận tại hội trường về quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng, nhiều đại biểu quan tâm tới mức tỷ lệ phải trả, hay nói cách khác là hệ số nợ phải trả không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng thông tin, trước đây Luật Doanh nghiệp không có quy định này.
Tuy nhiên, trong thực tiễn vừa qua, có một số doanh nghiệp chưa đại chúng đã lợi dụng để phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động lượng tiền rất lớn, sau đó không trả được nợ, ảnh hưởng lớn đời sống kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.
Do vậy, ngay từ khi soạn thảo Nghị định triển khai Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã tham khảo rất kỹ ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là thành viên thị trường, trong đó có các ngân hàng, doanh nghiệp, quỹ đầu tư... Từ đó đề xuất quy định mức phù hợp nhất là không quá 5 lần vốn chủ sở hữu như dự thảo. "Chúng ta vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng phải có kiểm soát", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức giám sát doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong phạm vi địa phương là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn để quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương. Trong quá trình triển khai xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với các địa phương để đảm bảo khi triển khai không có vướng mắc.