A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia

Dự án "Thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến" của nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa giành giải Nhất cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI năm 2024.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia lần thứ VI năm 2024 diễn ra tại trường Đại học Cần Thơ từ ngày 12 - 13/5, thu hút 200 cơ sở giáo dục từ đại học tới phổ thông trên toàn quốc tham gia.

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia
Nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam giành giải Nhất cuộc thi khối học sinh phổ thông

Một trong những hoạt động chính của Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VI là vòng Chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI (SV_STARTUP lần thứ VI).

Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 700 dự án dự khởi nghiệp từ hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường phổ thông toàn quốc tham gia.

Sau vòng sơ loại và bán kết, Ban Giám khảo đã chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng Bình chọn và vòng Chung kết.

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia
Các thành viên nhóm dự án thử nghiệm vận hành thiết bị

Với dự án Thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến, nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc giành giải Nhất khối học sinh phổ thông, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp.

Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và người nhà khi điều trị phục hồi chức năng là những giá trị mà nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hướng tới khi nghiên cứu dự án thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến.

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia
Nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam sáng tạo thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng

Chủ nhân của dự án là nhóm học sinh trường Ams có tên Starlight. Trong đó, 1 học sinh đang học lớp 11, 1 em học lớp 10 và 3 học sinh lớp 8.

Chia sẻ về ý tưởng, Đào Xuân Huy - thành viên dự án cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng em, tại Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc tai biến mỗi năm.

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Hệ quả của tai biến để lại đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là rất nặng nề”.

Trong khi đó, hiện nay, trên thị trường, đa số các sản phẩm hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến có giá thành cao do nhập từ nước ngoài về, không phù hợp với thể trạng người Việt Nam.

Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho việc tạo ra các sản phẩm phục hồi và tái luyện chức năng cơ bắp.

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia
Ý tưởng bắt nguồn từ thực tiễn...

Bắt nguồn từ nguyên nhân đó, nhóm học sinh đã “thai nghén” ý tưởng về thiết bị tích hợp nhiều yếu tố công nghệ và kỹ thuật hiện đại hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến.

Ở giai đoạn 1, dự án tập trung ứng dụng một số công nghệ làm nên sự khác biệt của sản phẩm như: Tích hợp các cảm biến để thu thập tình trạng sức khỏe và vận động của người dùng. Điều khiển bằng bảng điều khiển hoặc ứng dụng di động...

Học sinh trường Ams giành giải Nhất thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia
Các thành viên thực hiện dự án

Ban Tổ chức Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp đã trao giải cho tất cả 80 dự án vào Chung kết.

Trong đó, với khối sinh viên, giải Nhất thuộc về ý tưởng khởi nghiệp tới từ sinh viên các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, Đại học Thủy Lợi, Đại học Đà Nẵng và Đại học Tây Nguyên.

Với khối học sinh, cũng có 5 ý tưởng khởi nghiệp được trao giải Nhất, trong đó có 4 ý tưởng từ học sinh Hà Nội và TPHCM (mỗi địa phương 2 giải); giải Nhất còn lại trao cho ý tưởng của học sinh tới từ Lạng Sơn.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết