A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chuỗi các hoạt động của Chương trình ''Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh'' có gì đặc sắc?

Người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc về các nét đặc trưng văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu, độc đáo của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Sáng 21/8, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu về Chuỗi các hoạt động của Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh”.

Chuỗi các hoạt động của Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” có gì đặc sắc?
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Thanh Minh

Thông tin tại họp báo, bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Sự kiện sẽ được tổ chức từ ngày 23/8 đến 25/8/2024. Đây không chỉ là dịp để giới thiệu, quảng bá những nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà còn là cơ hội để hai thành phố cùng nhìn lại hành trình song hành, đồng lòng vượt qua mọi thách thức, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Lễ khai mạc Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” diễn ra vào tối 23/8 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ với chủ đề “Dấu Son Hà Nội”. Sự kiện mang đến một bức tranh sống động về Thủ đô qua các bộ phim phóng sự, phần trình diễn nghệ thuật, tái hiện những giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị ngàn năm tuổi. Sự tham gia của các nghệ sĩ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra sự kết hợp nhiều màu sắc giữa các thế hệ nghệ sĩ hai miền.

Chuỗi các hoạt động của Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” có gì đặc sắc?
Bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thông tin về Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” tại họp báo. Ảnh: Thanh Minh.

Theo bà Lê Thị Ánh Mai, mỗi tiết mục tại sự kiện sẽ đại diện cho một lát cắt sống động, phản ánh vẻ đẹp của Hà Nội, qua những biểu tượng thân thương như Cột cờ Hà Nội, Phố Phái... Nhưng trên hết, đó là tỉnh thần của người Hà Nội - một tinh thần luôn hướng về nguồn cội, trân trọng quá khứ nhưng cũng hướng tầm nhìn về tương lai.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ sự kiện khai mạc, không gian văn hóa - lịch của Thủ đô sẽ được gợi mở thông qua triển lãm ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng cùng các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống. Trong đó, không gian “Hào khí Thăng Long” được thiết lập với cổng chào tái hiện biểu trưng logo Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử, tạo nên một không khí trang trọng, đầy ý nghĩa.

Đặc biệt, di sản cầu Long Biên cũng được tái hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ, nơi toàn bộ hình ảnh triển lãm sẽ được thể hiện, làm nổi bật một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô. Các tiểu cảnh như: Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, sắc hoa Hà Thành, trụ sở Báo Hà Nội mới... cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện, giúp người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, nét đẹp của Hà Nội.

Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” còn bao gồm các triển lãm đặc biệt như: Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Di sản cho mai sau” được tổ chức tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và “Triển lãm Tinh hoa Đạo học Việt Nam” được tổ chức tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn sẽ diễn ra từ ngày 23/8 đến ngày 31/8/2024. “Hai triển lãm tập trung giới thiệu các di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô và các ứng dụng công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mapping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI... nhằm mang đến trải nghiệm sâu sắc và trực quan về di sản văn hóa Hà Nội” - bà Lê Thị Ánh Mai nói.

Đặc biệt, tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh cũng trưng bày Phiên bản Trống đồng Cổ Loa, là món quà tặng ý nghĩa của TP. Hà Nội tặng TP. Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Song song đó, Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh” cũng diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25/8/2024 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, với quy mô 10.000 m2. Hoạt động nổi bật gồm không gian “Phố nghề, làng nghề Hà Nội Xưa và Nay” với 28 gian hàng trình diễn làng nghề truyền thống. Tại Khu đất Thương xá Tax, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm sự kiện “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” với các món ăn đặc sản và hoạt động văn hóa ẩm thực ấn tượng của Thủ đô.

Cùng với đó, diễn ra các hoạt động quan trọng bao gồm: Thăm, dâng hương tại các di tích lịch sử quan trọng của TP. Hồ Chí Minh, như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh; thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách: tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật, thể thao tập thể cũng đồng loạt diễn ra tại nhiều khu vực trong TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, Chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ” và “Giai điệu kết đoàn” sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, từ ngày 23-25/8/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” với mục tiêu nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa thế hệ trẻ, xúc tiến thương mại, và quảng bá du lịch, sản phẩm làng nghề của Thủ đô Hà Nội. “Sự kiện sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước. Đặc biệt, chương trình sẽ trao tặng 60 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thể hiên sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức đối với cộng đồng” - đại diễn Ban Tổ chức thông tin.

Lễ bế mạc Chương trình sẽ diễn ra vào tối 25/8 với các hoạt động nghệ thuật đặc sắc, vinh danh các cá nhân, tập thể đóng góp cho sự kiện, đánh dấu sự kết thúc của chương trình ý nghĩa này.

“Thông qua Chương trình “Những ngày Nội tại TP. Hồ Chí Minh”, người dân TP. Hồ Chí Minh cũng như du khách trong và ngoài nước sẽ cảm nhận được tình cảm sâu nặng, chân thành của người Hà Nội, sẽ hiểu thêm về nét đẹp văn hóa, con người và cuộc sống nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến” - bà Lê Thị Ánh Mai bày tỏ.

Chuỗi các hoạt động của Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” có gì đặc sắc?
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội . Ảnh: Thanh Minh.

Chia sẻ tại họp báo, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho chương trình này và thông qua chương trình, Hà Nội sẽ giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa, di sản tiêu biểu và độc đáo như Hoàng Thành Thăng Long, các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, thế mạnh thể thao… Qua đó làm sâu sắc hơn hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"

"Đây cũng là dịp nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển hào hùng mà TP. Hà Nội đã đi qua, là cơ hội để giới thiệu đến người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước giá trị văn hóa, kinh tế và tình cảm của con người Hà Nội. Đặc biệt, TP. Hà Nội mong muốn gửi gắm thông điệp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh; nhấn mạnh sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa 2 thành phố lớn; tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, kết nối, chia sẻ cùng nhau phát triển bền vững" - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Chuỗi các hoạt động của Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” có gì đặc sắc?
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh.

Ở góc độ địa phương phối hợp tổ chức, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là dịp rất đặc biệt, là cơ hội để người dân TP. Hồ Chí Minh gần hơn với người dân TP. Hà Nội, cũng như tạo điều kiện để giới trẻ thành phố, những người đã từng đến Hà Nội vài lần và cả những người chưa có dịp đến Hà Nội cảm nhận Hà Nội gần hơn với mình. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng nhận thức đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh tri ân những người Hà Nội đang sinh sống, làm việc, học tập và đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Cũng theo bà Trần Thị Diệu Thúy, bản thân rất yêu Hà Nội. “Hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội cũng phải hiểu các tầng sâu văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây cũng là dịp rất đặc biệt để người dân TP. Hồ Chí Minh hiểu hơn và càng thêm yêu Hà Nội. Lãnh đạo và người dân TP. Hà Nội yêu TP. Hồ Chí Minh rất nhiều mới mang Hà Nội đến với TP. Hồ Chí Minh”, bà Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.

Các hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh”:

- Khai mạc “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh”.

- Trưng bày ảnh tư liệu gắn với nội dung kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô - TP. Hồ Chí Minh”.

- Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề, nghệ nhân trình diễn, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

- Trình diễn ẩm thực Hà Nội của các nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội của du khách tham quan.

- Tổ chức giao hữu thể thao giữa thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

- Trưng bày, triển lãm, giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam với những giá trị: Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo tại trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu trẻ” của tuổi trẻ TP. Hà Nội và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh.

- Bế mạc Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết