A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tái hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu chèo

Ba tối công diễn vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội (6, 7 và 8-8) thu hút đông kín khán giả đến sân khấu Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội).

Vở diễn được đầu tư dàn dựng với nhiều đại cảnh hoành tráng, sân khấu động bài trí hấp dẫn, nhiều lớp cảnh xúc động lấy nước mắt người xem... Đặc biệt với thế mạnh của nghệ thuật chèo truyền thống, các nghệ sĩ, diễn viên của chiếu chèo chiến sĩ đã thổi luồng gió mới cho vở chèo khi tái hiện sâu sắc hình tượng Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tài làm tướng và tình sâu nghĩa nặng với người lính, với nhân dân.

Kịch bản “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương viết chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu Nguyễn Thế Khoa, kịch bản “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” là sáng tác đầy tâm huyết và táo bạo của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương và đã được tác giả Nguyễn Đức Minh nắm vững hệ thống làn điệu chèo đã chuyển thể thành công.

Cảnh trong vở chèo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. 

“Lúc viết xong kịch bản, anh Chương đưa cho tôi xem, tôi vừa khâm phục sự táo bạo của tác giả vừa lo ngại bao khó khăn cho đơn vị sân khấu nào dàn dựng kịch bản này. Tôi đã nghĩ chỉ có ba đơn vị kịch nói lớn là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội hay Nhà hát Tuổi trẻ mới đủ khả năng thực hiện nổi kịch bản dày dặn chi tiết và hình ảnh như vậy. Nhưng thật bất ngờ khi tôi đón thông tin Nhà hát Chèo Quân đội và đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thúy Mùi nhận dàn dựng vở diễn. Tôi từng hỏi NSND Thúy Mùi: “Tôi không tưởng tượng nổi làm thế nào các bạn có thể biến kịch bản đầy chất tư liệu này thành một vở chèo?”. Sau khi xem xong vở diễn, tôi gửi lời chúc mừng đạo diễn, NSND Thúy Mùi, Trợ lý NSND Tự Long và Nhà hát Chèo Quân đội đã có thêm một vở diễn hay, xứng đáng với tên tuổi và khát vọng lan tỏa giá trị nghệ thuật chèo cách mạng trong lòng công chúng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.

Trong 2 giờ đồng hồ, vở diễn tái hiện 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, gian khổ của quân và dân ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí theo chỉ đạo của Bác Hồ đã vượt qua những thời khắc vô cùng khó khăn để đưa ra một quyết định lịch sử, chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí đã góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Trên cơ sở dựng lên toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ê kíp sáng tạo đã dụng công làm sáng lên chân dung một Đại tướng Võ Nguyên Giáp chí nhân chí dũng, văn võ toàn tài.

Vở kịch có đến gần 20 nhân vật lịch sử có thật. Ở phía ta, có Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, các tướng lĩnh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Nam Long, Nguyễn Hữu An, Lê Liêm, Đặng Kim Giang..; phía địch có tướng Henri Navarre, Réne Cogny, De Castries... Có bộ đội, có dân công, có thay đổi cách đánh ngay trước giờ “G”, kéo pháo vào kéo pháo ra, có cuộc quyết chiến bằng đào giao thông hào để cho nổ bộc phá tự chế 1 tấn làm nổ tung đồi A1...

Bám sát vào câu chuyện của từng nhân vật cụ thể, nhưng các lớp lang của vở diễn lại không sa vào kể lể mà được kết hợp khá nhuần nhuyễn tính sử thi và chất trữ tình, tập trung mô tả các phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vở chèo gây xúc động mạnh với nhiều lớp cảnh, như: Đại tướng xuất hiện ngay khi đồng chí Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo để kéo pháo ra; chào từ biệt trong nước mắt một đồng chí trước lúc ra đi ước muốn nghe một bài hát chèo quê mẹ...; cảnh Đại tướng đến thăm bệnh viện tiền phương, động viên từng thương binh; hỏi thăm các dân công, đội ngũ y bác sĩ... Những hình ảnh được tái hiện trên sân khấu khẳng định thêm sự gắn bó máu thịt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, chiến sĩ đã làm nên sức mạnh vô địch của Quân đội ta.

Sự góp mặt của dàn nghệ sĩ, diễn viên tài năng Nhà hát chèo Quân đội đã góp phần làm nên thành công của vở diễn. Đặc biệt không thể không nhắc đến sự hóa thân của NSND Trịnh Minh Tiến trong vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng là giọng nam chủ chốt của nhà hát, nhưng từ lâu anh đã nhường lại sân khấu cho lớp trẻ, bất ngờ trở lại chững chạc, sâu sắc, chinh phục trong vai một nhân vật lịch sử lớn. Hay sự xuất hiện của NSND Thùy Linh trong những lớp cảnh, nhất là cảnh chị hát mộc lời chèo sâu sắc mà thiết tha cho các đồng chí thương binh nghe... Bên cạnh đó là sự đầu tư quy mô của nhà hát với phần âm nhạc được nhạc sĩ Đào Tuấn Hải đảm nhiệm, NSND Đạt Tăng thiết kế mỹ thuật, NSND Minh Thu dàn dựng hát, cùng dàn nhạc diễn tấu nhuần nhuyễn với từng cảnh diễn, nâng bước cho diễn viên sáng tạo.

Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho hay: “Với quyết tâm cao nhất, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và Quân đội, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ nhà hát cùng ê kíp sáng tạo nghệ thuật đã không quản ngày đêm để dàn dựng vở diễn, công diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Đây cũng là nén tâm nhang của tập thể chiếu chèo chiến sĩ kính dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Đại tướng (25-8-1911 / 25-8-2024). Chúng tôi hy vọng bằng ngôn ngữ nghệ thuật chèo truyền thống có thể khắc họa đậm nét hình tượng một vị tướng vì dân, vì nước, giỏi về nghệ thuật chỉ huy chiến dịch nhưng cũng rất đỗi bình dị, hết lòng thương yêu cấp dưới, xứng với danh xưng “Anh Văn”. Thông qua vở diễn còn lan tỏa lòng yêu nước, yêu nghệ thuật dân tộc tới thế hệ trẻ”.

Bài và ảnh: HÀ VƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết